Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan cho biết, pháp luật hiện có quy định về điều kiện kinh doanh, giao dịch, chuyển nhượng bất động sản hình thành trong tương lai cũng như trách nhiệm của tổ chức kinh doanh địa ốc trước khi giao dịch.
Thế nhưng, trên thực tế, không ít doanh nghiệp kinh doanh nhà đất đã ký kết với khách mua theo các hình thức như "hợp đồng giữ chỗ", "hợp đồng giữ chỗ", "hợp đồng đặt cọc", "hợp đồng hứa chuyển nhượng, hứa nhận chuyển nhượng", "hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng bất động sản", "hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng bất động sản", "hợp đồng góp vốn đầu tư".
Chủ đầu tư vẫn đưa sản phẩm ra mua bán, giao dịch bằng các hình thức này trong khi pháp lý dự án chưa rõ ràng, chưa đủ điều kiện kinh doanh, giao dịch. Nhiều trường hợp dự án sau khi nhận tiền góp vốn của khách song không triển khai thực hiện được dẫn tới khiếu kiện, tranh chấp đông người, ảnh hưởng đến trật tự an ninh trên địa bàn TP.HCM.
|
Tại TP.HCM, nhiều chủ đầu tư dự án bán nhà ở hình thành trong tương lai trong khi chưa đủ điều kiện quy định. (Ảnh: Sơn Sơn) |
Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Dân sự quy định nhiều hình thức và loại hợp đồng khác nhau gây khó cho công tác quản lý nhà nước lẫn người mua nhà đất.
Trước thực trạng trên, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp xem xét và đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định đối với giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai của chủ đầu tư dự án với cá nhân, tổ chức tín dụng theo hướng phải công chứng nhằm đảm bảo tính chặt chẽ (tra cứu, theo dõi, cập nhật cơ sở dữ liệu công chứng), bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đồng thời phòng ngừa vi phạm của doanh nghiệp trong kinh doanh địa ốc (nếu có).
Cùng với đó, quy định cụ thể về hoạt động giao dịch nhà đất thông qua các hình thức như "hợp đồng giữ chỗ", "hợp đồng đặt cọc", "hợp đồng hứa chuyển nhượng, hứa nhận chuyển nhượng", "hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng bất động sản", "hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng bất động sản", "hợp đồng góp vốn đầu tư" và những loại hợp đồng tương tự đối với nhà ở hình thành trong tương lai tại các dự án nhà ở.
Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành, dự án tòa nhà hỗn hợp, chung cư có mục đích để ở phải hoàn thành phần móng mới được mở bán. Riêng với trường hợp tòa nhà hỗn hợp, chung cư có mục đích để ở hình thành trong tương lai phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành phần móng. Ngoài ra, chủ dự án còn phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng về việc nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện cho thuê mua, bán.
Vậy nhưng, hầu hết các dự án trên địa bàn TP.HCM thời gian qua đều huy động vốn của khách hàng trong khi chưa đáp ứng các điều kiện quy định. Cá biệt, không ít dự án còn chưa được giao đất, chưa làm móng, chưa có giấy phép xây dựng. Mua nhà tại các dự án này, khách hàng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Vấn đề là, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể đối với những trường hợp mua bán, huy động vốn của dự án nhà ở hình thành trong tương lai bằng các loại hợp đồng như "giữ chỗ", "đặt cọc"...