SearchNews

Làm thế nào để tránh sập bẫy đánh tráo sổ đỏ?

31/01/2020 09:04

Làm thế nào để tránh bị lừa đánh tráo sổ đỏ là vấn đề hiện được rất nhiều người quan tâm, tìm hiểu bởi trên thực tế có không ít trường hợp người sở hữu nhà đất rơi vào tình cảnh này, bỗng dưng mất trắng tài sản.

Những đối tượng lừa đảo xem thị trường nhà đất là "miền đất hứa" để chiếm đoạt tài sản bằng các chiêu thức cực kỳ tinh vi. Đáng chú ý, trong năm vừa qua, nạn đánh tráo sổ đỏ đã được cơ quan chức năng lật tẩy, đồng thời cảnh báo người dân thận trọng với chiêu lừa đảo này.

Hình ảnh hai người, một đàn ông, một phụ nữ trẻ tuổi ngồi trên ghế sofa với vẻ mặt lo lắng, minh họa cho việc bị đánh tráo sổ đỏ
Đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi để đánh tráo sổ đỏ.

Do cần tiền nên anh Tuấn Anh đã đăng tin rao bán căn nhà tại quận 1 (TP.HCM) trên các trang rao bán bất động sản hồi cuối năm 2018 với giá 11 tỷ đồng. Với tin đăng đó, nhiều người đã gọi điện cho anh để tìm hiểu thông tin, tới xem nhà song không ai mua. Khi tới hỏi mua nhà, một vài người trong số hơn chục người đã xin bản phô tô sổ đỏ, thậm chí có người còn đòi xem sổ đỏ bản gốc cho chắc chắn. Trong vòng hơn 6 tháng, anh Tuấn Anh đã tiếp nhiều lượt khách tới xem nhà nhưng vẫn không bán được. Nhiều người xin thông tin để tìm hiểu thêm cũng không liên lạc lại.

Sau đó một thời gian, ngân hàng đã liên hệ với anh Tuấn Anh để hỏi vì sao vẫn rao bán ngôi nhà dù đã thế chấp tại ngân hàng. Lúc bấy giờ, anh Tuấn Anh chỉ nghĩ đơn giản rằng chắc có sự nhầm lẫn gì đó bởi mọi giấy tờ nhà đất anh vẫn giữ. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng anh mới biết tá hỏa khi biết sổ đỏ anh đang giữ là giả. Ngôi nhà của anh đã bị một người khác thế chấp ngân hàng.

Các cơ quan chức năng đã phanh phui chiêu lừa đảo đánh tráo sổ đỏ nói trên. Trong năm 2019, nhiều người rơi vào tình cảnh như anh Tuấn Anh, bỗng nhiên bị mất trắng nhà đất. Đáng chú ý, để đánh tráo sổ đỏ thật, đối tượng lừa đảo còn hoạt động theo nhóm và chấp nhận mất khoản tiền cọc.

Vụ việc 1 lô đất trên địa bàn quận Bình Tân có tới 2 sổ đỏ thật, giả đã được cơ quan Công an quận 6 (TP.HCM) điều tra, xác minh hồi tháng 10/2019.

Người bán bất động sản cần phải chủ động cũng như cảnh giác cao độ để tránh rơi vào trường hợp bị lừa đánh tráo sổ đỏ. Chủ nhà chỉ nên cho người tới xem nhà xem bản phô tô sổ đỏ, lệ phí trước bạ, hộ khẩu và che một phần thông tin trên giấy tờ. Mặt khác, chủ nhà cũng không nên vội vàng công khai ảnh chụp bản chính sổ đỏ, đăng tải lên các trang rao bán bất động sản hoặc trên mạng xã hội.

Trong trường hợp khách tới xem nhà muốn xem bằng được bản chính sổ đỏ, gia chủ nên theo sát và có hơn 2 người cùng tiếp khách để tránh mắc bẫy dàn cảnh, đánh tráo sổ đỏ. Trên thực tế, có trường hợp nhóm đối tượng đã cố tình tranh nhau trả giá mua, tạo cảnh lộn xộn để dễ dàng tráo đổi giấy tờ nhà đất. Mặt khác, để có thể kiểm tra việc sổ đỏ có bị đánh tráo hay không, chủ nhà nên đánh dấu một điểm nào đó trên sổ đỏ mà chỉ mình mới biết.

Nếu phát hiện sổ đỏ bị đánh tráo, chủ nhà phải trình báo ngay lên văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan công an nhằm ngăn chặn giao dịch mua bán bất động sản cũng như những rắc rối đi kèm về sau.

>> Có thể bạn quan tâm:

(Theo ThanhniênViet)

Link báo gốc: http://thanhnienviet.vn/2020/01/29/lam-the-nao-de-tranh-sap-bay-danh-trao-so-do

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu