Kiểm toán Nhà nước vừa thông báo kết quả kiểm toán dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Theo đó, đơn vị này nêu rõ trách nhiệm của Bộ GTVT đối với giai đoạn phê duyệt tổng mức đầu tư, đánh giá hiệu quả.
Cụ thể, chủ đầu tư khi phân tích tính kinh tế đã không xem xét tới kinh phí vận hành chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác nên kết luận dự án hiệu quả về kinh tế là chưa chính xác. Ngay từ khi lập dự án, phương án tài chính đã phải bù lỗ. Tuy nhiên, phương án khai thác hiệu quả chưa được các bên liên quan đề xuất.
So với số liệu dự báo của Viện Chiến lược giao thông vận tải, lưu lượng khách hàng được giả định tính toán bởi đơn vị tư vấn lập dự án cao hơn nhiều.
Theo thông báo của Kiểm toán Nhà nước: "Phân tích hiệu quả tài chính cho thấy tỷ lệ hoàn vốn nội bộ thấp hơn lãi suất vay, giá trị hiện tại ròng âm. Tỷ số lợi ích chi phí xét trên góc độ tài chính cho thấy sẽ phải bù lỗ. Tuy nhiên các đơn vị liên quan chưa thẩm tra, đánh giá nội dung này".
|
Dù đã được đưa về từ lâu nhưng đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa được bàn giao để đưa vào vận hành. (Ảnh: Ngọc Thành) |
Mặt khác, cơ quan kiểm toán cho hay, Bộ GTVT tổ chức lập, thẩm định và duyệt điều chỉnh dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông với tổng vốn đầu tư từ mức 8.769 tỷ đồng lên tới 18.000 tỷ đồng (tăng gấp đôi) trong khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội. Theo quy định hiện hành, việc này chưa đúng luật.
Hơn nữa, việc Bộ GTVT điều chỉnh cơ cấu tổng vốn đầu tư trong quyết định hồi tháng 5/2017 bao gồm chi phí trả nợ gốc phần vay lại 250 triệu USD là sai quy định. Trong khi chưa tính toán chi tiết, Bộ đã bổ sung kinh phí xây lắp tăng lên 21 triệu USD (do biện pháp đầu tư thay đổi). Như vậy, việc này cũng thiếu cơ sở pháp lý.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được điều chỉnh tăng lên gấp đôi. Vậy nhưng, hiệu quả kinh tế xã hội, hiệu quả tài chính từ việc điều chỉnh dự án chưa được chủ đầu tư chứng minh. Đồng thời, tính toán ban đầu cũng chưa thể hiện cơ sở đơn giá những hạng mục chi phí. Đây là một trong các cơ sở để xây dựng tổng vốn đầu tư công trình.
Cùng với đó, thông báo kết luật kiểm toán còn nêu ra các vấn đề có liên quan tới nhà thầu Trung Quốc.
Dự án tính đến thời điểm hiện tại đã ký 3 hiệp định vay xấp xỉ 670 triệu USD từ Trung Quốc. Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc vay vốn Trung Quốc sẽ giúp giải quyết những vướng mắc trước mắt về nguồn vốn. Song, phía Việt Nam phải chấp nhận những bất lợi, ràng buộc như phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc thực hiện khối lượng công việc với trị giá vào khoảng 13.751 tỷ đồng (77% tổng mức đầu tư dự án).
Hơn nữa, theo đánh giá, việc vay vốn Trung Quốc nói trên cũng chưa hiệu quả bởi phối hợp giải quyết vướng mắc cơ chế tài chính chậm trễ.
Kế hoạch gói thầu tư vấn giám sát được Bộ GTVT phê duyệt theo hình thức đấu thầu rộng rãi giữa nhiều nhà đầu tư Trung Quốc. Chủ dự án không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc theo quy định. Kiểm toán Nhà nước nhận định, việc Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức đấu thầu, duyệt trúng thầu trước khi Chính phủ cho phép dùng vốn vay Trung Quốc để thanh toán gói thầu là chưa đúng quy định.
Thời gian hoàn thiện, chạy thử vào bàn giao theo hợp đồng EPC là năm 2014. Sau đó, thời gian này được điều chỉnh kéo dài đến tháng 9/2017. Vậy nhưng, dự án hiện vẫn chưa được bàn giao cho chủ công trình để đưa vào vận hành. Ngoài ra, trách nhiệm của tổng thầu chưa được chủ đầu tư làm rõ. Việc dự án chậm tiến độ gây ra những thiệt hại để xử lý cũng chưa được làm rõ.
Hồi tháng 6/2019, đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá về tổng thầu Trung Quốc như sau: "có năng lực xây dựng tốt, song thiếu kinh nghiệm ở khâu vận hành".
Báo cáo của chủ đầu tư nêu rõ, lượng vốn đổ vào dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tính đến hết tháng 6 năm ngoái vào khoảng 11.337 tỷ đồng. Tuy vậy, kết quả kiểm toán ghi nhận tổng vốn dự án vào khoảng 8.679 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư chênh lệch khoảng 2.656 tỷ đồng. Lý do là, chủ dự án tính sai đơn giá 175 tỷ đồng, sai khối lượng tới 360 triệu đồng, sai khác với số tiền 698 tỷ đồng và chưa đủ điều kiện quyết toán là 1.781 tỷ đồng.
Trước thực trạng đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thanh toán 175 tỷ đồng. Chủ dự án sẽ thương thảo với tổng thầu để giảm trừ 428 tỷ đồng. Cũng theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước, cần hạch toán giảm phí cam kết, kinh phí quản lý, lãi vay 269 tỷ đồng.
Dưới góc độ tài chính, cơ quan này đề nghị xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan tới việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức dự án tăng lên gấp đôi và duyệt đấu thầu giữa các nhà đầu tư Trung Quốc.
Được biết, vào tháng 10/2011, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công xây dựng. Dự kiến, thời gian hoàn thành công trình vào tháng 6/2014. Thế nhưng, sau đó, dự án được lùi tiến độ tới 6/2016, tiếp tục lùi đến cuối năm 2016, rồi cuối quý 2/2017. Dự án tiếp tục lùi tới tháng 10/2017 sau khi tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên mức 18.000 tỷ đồng (868 triệu USD). Công trình lại lùi tiến độ đến tháng 2/2018, cuối năm 2018. Dự án được chạy thử hồi tháng 9/2018 rồi lùi thời gian vận hành tới tháng 4/2019. Dự án lỡ hẹn dịp 30/4, lùi tới quý 2/2019.