|
Hình ảnh cầu Vĩnh Tuy hiện hữu được khánh thành vào năm 2010. (Ảnh: Nhật Quang) |
Vào ngày 4/9 vừa qua, Bộ KH&ĐT đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao nhiệm vụ thẩm định Báo cáo nghiên cứu xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) và dự án đường kết nối Vành đai 3 với đường Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội cũng đã thông qua chủ trương chuyển đổi dự án xây cầu Vĩnh Tuy mới từ hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) sang đầu tư công. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 2.560 tỷ đồng, trong đó, hơn 1.800 tỷ đồng là kinh phí xây dựng. Trong bối cảnh các dự án BT đang tạm dừng để chờ Chính phủ ban hành nghị định mới, nhà đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã rút lui.
Báo cáo nghiên cứu của TP. Hà Nội cho biết, thiết kế của cầu Vĩnh Tuy mới tương tự cầu cũ với bề rộng hơn 19m, dải đi bộ, quy mô 4 làn xe (2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp). Vị trí xây cầu mới sẽ cách cầu hiện hữu 2m. Công trình được dự kiến khởi công vào cuối năm nay, đến năm 2022 sẽ hoàn thành.
|
Vị trí cầu Vĩnh Tuy trên bản đồ |
Cầu Vĩnh Tuy theo quy hoạch, thiết kế được duyệt dài 5,8km, rộng 38m. Trong đó, đường dẫn hai đầu dài 1,68km, phần vượt sông là 3,7km. Thế nhưng, vì thiếu vốn nên Hà Nội mới khánh thành giai đoạn 1 dự án vào năm 2009 với bề rộng mặt cầu 19m. Giai đoạn 1 dự án có tổng kinh phí xấp xỉ 3.600 tỷ đồng. Do đó, việc xây cầu mới này thực chất là để hoàn thiện cầu Vĩnh Tuy đúng theo thiết kế đã duyệt.
Cầu Vĩnh Tuy đóng vai trò là tuyến lưu thông huyết mạch trên trục Vành đai 2, kết nối trung tâm TP. Hà Nội với huyện Gia Lâm, quận Long Biên và QL5 tỏa đi các tỉnh phía Bắc. Vào giờ cao điểm, Cầu Vĩnh Tuy hiện tại thường xuyên bị ùn tắc, quá tải.