Hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng được khởi công, căn hộ triệu đô đắt khách, đổ xô mua biệt thự nghỉ dưỡng…đó là những sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản du lịch trong năm vừa qua. Có thể nói, đây là một trong những phân phân khúc được nhà đầu tư quan tâm.
Dothi.net đã có cuộc trao đổi với ông Robert McIntosh, Giám đốc bộ phận khách sạn, công ty CBRE tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, về vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam?
Ngày càng nhiều cơ hội đầu từ trung đến dài hạn xuất hiện tại Việt Nam bởi những dải bờ biển hấp dẫn, những khu vực núi đồi tuyệt đẹp, các thành phố đông đúc. Với ưu thế của Việt Nam là một điểm đến mới mẻ, chưa được khám phá nhiều, nhiều dự án đã được giới thiệu hoặc hoàn thiện thành công trong những năm qua, chứng tỏ rằng Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng chưa được khai thác và đầy hứa hẹn cho đầu tư khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng.
- Đánh giá của CBRE, thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam vẫn là một ngành công nghiệp còn non trẻ?
Thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã thay đổi nhiều kể từ giai đoạn trước khủng hoảng, với việc khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn và có nhiều lựa chọn hơn. Nhiều dự án mới đang xây dựng hoặc gần sắp hoàn thiện xây dựng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn và khách hàng càng hiểu biết và đòi hỏi cao hơn so với trước đây. Ngành khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang sẵn sàng tiến tới giai đoạn thị trường dành cho các sản phẩm tinh tế nhắm đến các khách hàng tinh tế
Thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam vẫn là một ngành công nghiệp còn non trẻ, vì vậy, thị trường này dễ chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi liên tục và nhanh chóng. Do đó, các nhà đầu tư có thể rơi vào trường hợp mất cảnh giác và thiếu sự chuẩn bị trước các biến động.
- Sự suy thóai kinh tế phần nào đã ảnh hưởng tới doanh thu và công suất thuê của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng?
Thị trường du lịch nội địa ngắn hạn và trung hạn vẫn chưa có xu hương rõ ràng, với cơ cấu khách của khách sạn thành phố và khách của các khu nghỉ dưỡng vẫn liên tục thay đổi. Tỷ lệ thất nghiệp cao ở Mỹ và Châu Âu đã có ảnh hưởng bất lợi đến số lượng khách phương tây du lịch đến khu vực Đông Nam Á, trong khi số lượng khách Trung Quốc và Nga tới khu vực này có vẻ đang gia tăng liên tục. Thông qua các số liệu thống kê mới nhất cung cấp bởi Visa và Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương (PATA), khách du lịch Trung Quốc đại lục có kế hoạch du lịch nhiều nhất với trung bình 7,4 chuyến đi nghỉ dưỡng và công tác trong vòng hai năm tới, so với chỉ khoảng 5,6 từ Hồng Kông, điều đó cho thấy rằng các khách hàng này không bị ảnh hưởng nhiều bởi tác động kinh tế.
Xem xét thị trường du lịch ngắn hạn, thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng cho thấy nên tập trung vào phát triển các dự án và dịch vụ hướng đến những khu vực có lượng khách du lịch đang gia tăng. Tuy nhiên, về dài hạn, xu hướng này có thể thay đổi, và rất có thể khách du lịch đến từ khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ tạo một làn sóng mới.
- Một trong những vấn đề của thị trường khách sạn đó là việc quản lý, điều hành. Ông đánh giá thế nào?
Các khách sạn và cơ sở lưu trú bình dân ở Việt Nam vẫn đang được điều hành độc lập, hệ thống quản lý còn nhiều hạn chế, yếu kém về thương hiệu và không có các thiết kế hoặc dịch vụ đạt chuẩn. Ở các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bình dân thường có lợi nhuận cao, nhưng các chủ đầu tư phải làm việc chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, nhà điều hành và các đơn vị kiến trúc để tạo ra để bảo khách sạn hoặc khu nghi dưỡng có chi phí hoạt động thấp, khai thác tối đa diện tích sử dụng, hệ thống đặt phòng trung tâm, tiêu chuẩn hóa các phòng, nội thất và dịch vụ, và chắc chắn điều đó đã tối ưu hóa chi phí. Với mức giá phòng khoảng 20 – 30/USD một đêm, bạn phải chắc chắn rằng chi phí của bạn được kiểm soát tốt
- Ông có lời khuyên gì cho các nhà đầu tư?
Kinh nghiệm ở các quốc gia khác cho thấy, những chủ dự án thấy trước được những thay đổi của người tiêu dùng và điều này giúp họ có thể tạo ra những dòng sản phẩm phù hợp nhất cho thị trường. Việc các chủ dự án chỉ đơn thuần lặp lại các thiết kế sẵn có mà không nghiên cứu kĩ những thay đổi của thị trường có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro trong một thị trường đang phát triển nhanh như ở Việt Nam.
- Nhận định của ông thị trường này trong tương lai thế nào?
Việt Nam vẫn còn là thị trường mới mẻ, hấp dẫn cho nhiều dự án mới với các sản phẩm độc đáo. Còn nhiều cơ hội chưa được khám phá với tiềm năng rất lớn cho các sản phẩm mới, tuy nhiên rủi ro dành cho những người tiên phong là sẽ lớn hơn. Cho dù thị trường có những thay đổi, nếu các chủ dự án và nhà đầu tư chủ động tích cực thích nghi với những thay đổi thị trường và cung cấp các sản phẩm mới mẻ, sang tạo, tôi tin tưởng mạnh mẽ vào sự phát triển trung và dài hạn vào ngành công nghiệp khách sạn và nghỉ dưỡng của Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Duy Khánh