SearchNews

Căn hộ tại TP.HCM tăng giá 10%/năm

15/06/2019 08:00

Trong năm 2018, mức giá trung bình của căn hộ tại Hà Nội đạt 1.300 USD/m2, TP.HCM là 1.600 USD/m2. Giá bán căn hộ tại TP.HCM tăng 10%/năm, trong khi ở Hà Nội chỉ tăng nhẹ 1%/năm.

Theo báo cáo thị trường nhà ở được công bố bởi Savills Việt Nam, giá căn hộ bình quân tại TP.HCM là 1.600 USD/m2, đạt mức tăng 10%/năm trong nửa thập kỷ qua bởi tất cả các phân khúc đều tăng giá. Với nguồn cung mới đạt tiêu chuẩn cao hơn, giá căn hộ hạng A tăng cao nhất. Căn hộ hạng B và hạng C cũng tăng giá nhưng tốc độ chậm hơn.

giá căn hộ tại TP.HCM tăng 10% mỗi năm
Biểu đồ xu hướng giá căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội giai đoạn 2014-2018

Còn tại thị trường Hà Nội, giá bán căn hộ trung bình năm 2018 là 1.300 USD/m2, so với năm trước chỉ tăng 1%. Căn hộ hạng A có mức tăng giá cao nhất. Trong bối cảnh dồi dào nguồn cung, để duy trì doanh thu, chủ đầu tư các dự án căn hộ hạng B phải đưa ra mức giá cạnh tranh hơn. Lượng giao dịch căn hộ hạng C có xu hướng tăng bởi nguồn cầu cao, hơn nữa chủ dự án đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, chiết khấu linh hoạt.

Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, lượng giao dịch căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM đều có xu hướng gia tăng rõ rệt trong những năm 2014-2018.

Tại TP.HCM, trong 5 năm trở lại đây, lượng giao dịch căn hộ tăng bình quân 44%/năm với mức đỉnh đạt 49.000 giao dịch năm 2018. Đồng thời, tỷ lệ hấp thụ cũng đạt mức cao kỷ lục với 87%. Căn hộ hạng C là phân khúc chính của thị trường, chiếm tới 60% tổng giao dịch. Trong tương lai, nguồn hàng nhà giá rẻ vẫn khá lớn nên căn hộ hạng C được dự báo vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.

lượng giao dịch căn hộ tại TP.HCM
Biểu đồ lượng giao dịch căn hộ tại TP.HCM giai đoạn 2014-2018

Tại Hà Nội, lượng giao dịch căn hộ năm 2018 so với năm liền trước tăng 20%. Chiếm 61% tống số giao dịch là phân khúc căn hộ hạng B. Trong những năm 2014-2018, phân khúc trung cấp chiếm khoảng 43-61% tổng lượng giao dịch; phân khúc hạng C chiếm 31%, tăng 6%/năm. Do nguồn hàng mới hạn chế và giá bán cao nên phân khúc căn hộ hạng A chỉ chiếm 8% tổng số giao dịch.

Biểu đồ lượng giao dịch căn hộ tại Hà Nội
Biểu đồ lượng giao dịch căn hộ tại Hà Nội giai đoạn 2014-2018

Xét về hồ sơ khách mua căn hộ thì Hà Nội và TP.HCM khá tương đồng. Đối với phân khúc hạng C, người ở/người sử dụng thực chiếm phần lớn. Trong khi đó, phân khúc căn hộ hạng B lại thu hút đối tượng khách hàng là nhà đầu tư mua để cho thuê và người có nhu cầu nâng cấp nhà ở.

Sự phát triển lành mạnh của thị trường địa ốc được thể hiện qua tỷ lệ người mua nhà có nhu cầu ở thật tăng cao. Vốn mua nhà hiện nay chủ yếu là vốn chủ sở hữu. Bởi lẽ, việc thế chấp nhà chỉ phù hợp với khả năng chi trả của một bộ phận nhỏ và lãi suất cho vay mua nhà tương đối cao. Chưa kể, thông qua nhiều chính sách tiền tệ, Chính phủ hiện đang kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng.

hồ sơ người mua nhà
Biểu đồ hồ sơ người mua nhà tại TP.HCM và Hà Nội

Trong 3 năm trở lại đây, hoạt động của phân khúc căn hộ hạng A đã được cải thiện rõ rệt, hấp dẫn giới đầu tư trong nước và quốc tế với mức giá cạnh tranh, lợi suất cho thuê cao. Phân khúc bất động sản hạng sang, cao cấp có tiềm năng phát triển khi lượng người giàu trong nước không ngừng gia tăng, cộng với sự tăng trưởng của phân khúc trung cấp.

Bên cạnh đó, chính sách sở hữu bất động sản tại Việt Nam đối với người nước ngoài được nới lỏng đã góp phần thu hút một lượng nhất định khách hàng ngoại. Thị trường nhà ở TP.HCM và Hà Nội năm 2018 ghi nhận nguồn cầu lớn từ người mua nước ngoài. Thậm chí, nhiều dự án hạng A đã nhanh chóng đạt tỷ lệ 30% định trước ở thời điểm mở bán là khách hàng quốc tế.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khả quan, vốn FDI cao và chính sách tiền tệ hợp lý, thị trường địa ốc Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững. Dự kiến, tại các thành phố lớn, nguồn cung nhà ở sẽ gia tăng để đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường. Đến năm 2020, dự báo căn hộ hạng B vẫn là phân khúc chủ đạo của thị trường Hà Nội, trong khi căn hộ hạng C sẽ chiếm phần lớn nguồn cung tại TP.HCM.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu