Nghĩ cũng ổn, tháng 7/2015 anh K. ký hợp đồng vay hơn 1,9 tỉ đồng để mua căn hộ chung cư, nhưng không đọc kỹ hợp đồng cũng như khế ước nhận nợ. Trừ hai đợt đầu tiên, đến nay anh K. đã giải ngân được 9 đợt.
“Do lãi suất phải đóng những tháng gần đây tăng cao, tôi xem lại khế ước nhận nợ thì giật mình khi thấy lãi suất vay lên mức 11,5%/năm từ đợt giải ngân thứ năm vào tháng 2/2016, trong khi ngân hàng không hề thông báo cho tôi”, anh K. bức xúc.
Cảnh báo “bẫy lãi suất” khi mua nhà (ảnh minh họa)
Theo anh K., để anh ký hợp đồng, nhân viên đã cố tình giấu những điều khoản bất lợi. Chưa kể ngân hàng đã không đưa điều khoản cố định lãi suất vào hợp đồng tín dụng mà chỉ ghi “lãi suất cho vay trong hạn và phương thức điều chỉnh lãi suất cho vay được quy định cụ thể trong khế ước nhận nợ”, trong khi nội dung khế ước nhận nợ hoàn toàn khác.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng khi triển khai các gói vay ưu đãi, các ngân hàng đều có những quy định rất đặc thù. Khi làm việc với khách hàng, nhân viên ngân hàng phải tư vấn rõ ràng, thông báo cho khách hàng biết gói ưu đãi có hạn mức như thế để khách hàng biết để điều chỉnh thời gian nhận nợ. Ngân hàng cũng phải ghi rõ mức lãi vào trong hợp đồng tín dụng.
Tuy nhiên, với trường hợp của anh K., ngân hàng lại quy định “lãi suất cho vay trong hạn và phương thức điều chỉnh lãi suất cho vay được quy định cụ thể trong khế ước nhận nợ”. Đây chính là rủi ro cho khách hàng, bởi nội dung khế ước nhận nợ không đúng như những gì mà anh K. đã nghe nhân viên tư vấn trước đó.
Theo vị này, tốt nhất là khách hàng yêu cầu nhân viên ngân hàng ghi rõ các điều khoản đã cam kết vào trong hợp đồng tín dụng, bởi đây là cơ sở pháp lý để khiếu nại trong trường hợp ngân hàng thay đổi các điều khoản đã cam kết.