Chủ tịch HoREA nhận định, khó có thể xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản
trong năm 2015-2016. (Ảnh minh họa, nguồn: vneconomy)
Ông Châu phân tích, thực tế tại nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam, hiện tượng bong bóng bất động sản thường chỉ xuất hiện khi hội đủ những yếu tố dưới đây:
Thứ nhất: Kinh tế phát triển quá nóng; thứ 2: Chính sách tín dụng bị buông lỏng, dễ dãi trong việc hạ chuẩn cấp tín dụng; thứ 3: Sự phát triển lệch pha trên thị trường bất động sản, thường xảy ra đối với bất động sản cao cấp; thứ 4: Sự xuất hiện của giới đầu cơ găm hàng, làm giá, kích động, tạo nên nhiều đợt sóng, khiến thị trường xuất hiện giá ảo; thứ 5: Thiếu sự can thiệp hợp lý bằng các đòn bẩy kinh tế của Nhà nước vào thị trường nhà đất.
Từ việc đối chiếu thị trường nước ta hiện nay với các yếu tố trên, HoREA nhận định, nguy cơ bong bóng bất động sản trong năm 2015-2016 chưa thể xảy ra, lại càng chưa phải lo về việc xảy ra kịch bản "chưa sốt đã vội đóng băng".
Kinh tế của Việt Nam đang trên đà phục hồi, tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 đạt mức 12,51%, năm 2014 là 12,62% và dự kiến mức này sẽ ở khoảng 16% trong năm 2015. Vài năm trở lại đây, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đã được kiểm soát tốt. Vào thời kỳ đỉnh điểm của "bong bóng" bất động sản năm 2007, mức tăng trưởng tín dụng lên đến 37,80%, thông tin từ ông Châu.
Chuyên gia này còn cho biết thêm, Chính phủ đang dần ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, tiến hành thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng chặt chẽ, linh hoạt và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại.
Tình trạng buông lỏng tín dụng là không có trong giai đoạn hiện nay, từng bước kiểm soát nợ xấu. Có một yếu tố đáng quan ngại là chiều hướng phát triển quy mô quá lớn của phân khúc cao cấp, song, dù số lượng có nhiều nhưng vẫn chưa vượt khỏi tầm kiểm soát. Thị trường vẫn diễn ra các giao dịch bình thường, tình trạng đầu cơ đẩy giá tăng ảo chưa xuất hiện.
Bên cạnh đó, một yếu tố mới xuất hiện cũng được ông Châu đề cập, đó là tình trạng liên tục phá giá đồng nhân dân tệ với biên độ khá lớn của Chính phủ Trung Quốc trong mấy ngày qua. Điều đó sẽ tạo nên những tác động trực tiếp tới tình hình kinh tế trong cả ngắn, trung và dài hạn. Trước mắt, nhiều nguyên vật liệu, các trang thiết bị nội, ngoại thất phục vụ cho bất động sản Việt Nam đang được nhập khẩu từ Trung Quốc có thể chưa bị ảnh hưởng gì lớn, ông Châu dự báo.
Mà vấn đề đáng quan ngại nhất là việc phá giá đồng nhân dân tệ có thể sẽ tác động đến hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh, đến việc làm của người lao động trong nước và sự tăng trưởng GDP. Yếu tố này rất có thể tạo nên những ảnh hưởng không tốt đến thị trường bất động sản trong trung hạn và dài hạn.