SearchNews

Covid-19 đang thay đổi hợp đồng giữa chủ nhà và khách thuê

17/06/2020 13:28

Tác động của dịch Covid-19 đã khiến các nhà bán lẻ phải tiến hành những cuộc đàm phán đầy thách thức với chủ nhà, với kết quả có thể sẽ làm thay đổi cục diện thương mại bất động sản trong dài hạn.

Theo báo cáo của JLL, đại dịch không phải là điều khoản ràng buộc trong hầu hết các loại hợp đồng thương mại. Trừ khi các hợp đồng mô tả rõ ràng cụm từ ‘dịch bệnh’ hoặc ‘đại dịch’ là một sự kiện bất khả kháng, nếu không thì chủ nhà sẽ không có nghĩa vụ phải có bất kỳ sự nhượng bộ nào về tiền thuê. Và với việc thiếu tiền lệ, chủ nhà và khách thuê phải tự thỏa thuận các phương thức hỗ trợ nhau như giảm giá thuê hoặc trả chậm. 

“Mối quan hệ giữa chủ nhà và khách thuê luôn được xây dựng trên cơ sở lâu dài và liên tục hỗ trợ nhau. Mặc dù không bên nào có lỗi trong tình huống khó lường này, nhưng chắc chắn các bộ phận soạn thảo hợp đồng đang phải xem xét kĩ càng các điều khoản ràng buộc cho những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Những bài học rút ra từ đại dịch sẽ làm thay đổi các điều khoản của hợp đồng thuê trong tương lai và thay đổi động lực của bất động sản”, đại diện JLL nhận định.

Các chính sách giãn cách xã hội được chính phủ  áp dụng đã tác động trực tiếp đến dòng tiền của nhà bán lẻ, và chủ nhà cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn thu nhập. Theo báo cáo của JLL ghi nhận nhiều trung tâm mua sắm trên toàn cầu chỉ đạt từ 20% đến 40% trên tổng tiền thuê kể từ khi lệnh đóng cửa có hiệu lực. Do đó, một số trung tâm mua sắm đang mất khả năng thanh toán nợ và có khả năng vi phạm các giao ước cho vay. 

Chủ nhà mặt phố treo biển mời chào khách thuê nhà.
Tác động của dịch Covid-19 khiến hợp đồng giữa chủ nhà và khách thuê có sự thay đổi.
Ảnh minh họa

Ngoài ra, đại dịch cùng sự tăng trưởng của thương mại điện tử đã làm giảm giá trị tài sản và mô hình kinh doanh của một số nhà bán lẻ truyền thống đang bị thách thức. Những thách thức này buộc chủ nhà và khách thuê cùng ngồi xuống để tìm ra một cấu trúc giúp cả hai chắc chắn hơn về quyền sở hữu và dòng tiền để đổi lấy các cơ cấu cho thuê bền vững với đủ vốn lưu động. 

Các điều khoản trong hợp đồng thuê sẽ thay đổi về giá thuê, thời hạn thuê và những yêu cầu nghiêm ngặt trong việc bảo vệ sức khỏe của khách hàng ra vào tòa nhà. Trong thời gian tới đây, các bên sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn đối với việc soạn thảo văn bản pháp luật để giải quyết cụ thể việc giảm giá thuê hoặc trả chậm trong trường hợp xảy ra những khủng hoảng tương tự.

Trên thực tế, một số chủ nhà đã giảm giá thuê trong tháng 2 và tháng 3, dao động từ 10-30%, trong đó ưu tiên hàng đầu cho các nhóm thực phẩm, đồ uống và giải trí. Các chủ nhà khác đã xem xét giảm 10-50% tiền thuê nhà, tùy thuộc vào hiệu suất của người thuê nhà. Một số chủ nhà cũng xem xét chuyển từ mô hình thuê cố định truyền thống sang chia sẻ doanh thu và tiền thuê nhà như được áp dụng bởi hầu hết các chủ nhà quốc tế, để giúp chia sẻ rủi ro và tăng cường mối quan hệ giữa chủ nhà và người thuê nhà.

Thách thức sẽ đến khi khách thuê muốn đàm phán lại lợi ích thuê vượt khỏi giới hạn mà cả hai bên có thể sẵn sàng để chấp nhận trong thời gian này, các mối quan hệ lâu dài sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các cuộc thương thảo. “Thay vì giữ một mô hình cho thuê lỗi thời, chủ nhà và khách thuê cần phải linh hoạt và sáng tạo trong việc đối phó với các thách thức. Nếu cả hai bên không tăng cường hợp tác chắc chắn sẽ không ai có lợi trong kinh doanh”, đại diện JLL kết luận.

 

An An

>> Làn sóng trả mặt bằng kinh doanh tăng bất chấp giá thuê giảm

>> Sau đại dịch, mô hình bất động sản nào đang phục hồi nhanh chóng?

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu