Trong khi giới đầu tư dài hạn chủ yếu tìm kiếm các sản phẩm nhà đất gần khu vực Nhơn Trạch, sân bay Long Thành thì nhà đầu tư thứ cấp đang đổ về TP. Biên Hòa để tìm kiếm các sản phẩm nhà đất thổ cư. Ông Ngô Minh Đạo, một nhà đầu tư Thanh Hóa chia sẻ, vốn không có nhu cầu đầu tư dài hạn nên sau khi khảo sát thực tế một thời gian, ông quyết định mua đất ở TP. Biên Hòa để đầu tư. Nhà đầu tư này tính toán, đất thuộc phạm vi TP. Biên Hòa đa số là đất thổ cư nên có tính an toàn cao. Khu vực này hiện có nhiều KCN hoạt động với dân cư đông, giá đất rẻ, phù hợp với tài chính của nhiều đối tượng khách hàng.
Biên Hòa đang sở hữu nhiều lợi thế thu hút nhà đầu tư thứ cấp
Ngoài nhu cầu thuê trọ, nhiều người có nhu cầu định cư lâu dài đang tìm kiếm sản phẩm phù hợp để xây nhà. Tại Biên Hòa, nhiều vị trí đất có giá khá mềm. Một số dự án cách KCN chỉ 300 - 500m, mức giá dao động từ 1,2 - 2 triệu đồng/m2, có sổ hồng riêng.
Giá đất gần trung tâm TP khoảng 4 - 7 triệu đồng/m2. Đất tại khu vực cách xa trung tâm chỉ từ 2 - 3,5 triệu đồng/m2. Đây là mức giá phù hợp túi tiền của nhà đầu tư có tài chính hạn chế.
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư Tp.HCM và các tỉnh lận cận cũng chuyển sang tìm nhà đất tại các khu vực có tiềm năng sinh lợi ngắn hạn hơn. Anh Lê Trọng Khanh, một nhà đầu tư tại Tp.HCM cho biết, anh chọn đầu tư đất ở Biên Hòa vì khu vực này phù hợp để đầu tư ngắn hạn. Đất ở Long Thành, Nhơn Trạch tuy rất có tiềm năng sinh lợi nhưng hiện chính sách đền bù, tái định cư quanh sân bay Quốc tế Long Thành chưa rõ ràng, thời gian khởi công sân bay còn đang bỏ ngỏ. Còn tại Nhơn Trạch, khu vực này sẽ chỉ thực sự phát triển khi cầu Cát Lái đi vào hoạt động theo quy hoạch của Chính phủ. Đến năm 2020, việc xây dựng mới được tiến hành.
Do đó, đầu tư ngắn hạn thời điểm này chỉ có thể chọn Biên Hòa. Khảo sát từ Batdongsan.com.vn cho thấy, đất tại xã Tam Phước, Phước Tân thuộc TP. Biên Hòa, khu vực An Phước, Tam An thuộc huyện Long Thành đang có giao dịch tương đối sôi động. Khu vực gần các khu công nghiệp lớn như KCN Biên Hòa 2, Long Bình Lotechco, Amata, KCN Tam Phước, KCN Giang Điền, Cụm CN Dốc 47, KCN Bò sữa Long Thành, KCN Long Đức… lượng dân cư đổ về đây sinh sống ngày càng nhiều.
Quỹ đất trung tâm dành để triển khai các dự án lớn tại Biên Hòa cũng được nhà đầu tư ráo riết săn đón. Khi đề án xây dựng tuyến Metro số 1 kết nối giữa Tp.HCM với TP. Biên Hòa được thông qua, các dự án đất nền nằm gần tuyến đường này nhanh chóng được giới đầu tư tìm mua. Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Eximrs cho rằng, hiện tại đang có làn sóng định cư từ Tp.HCM đổ về Đồng Nai. Động thái này hiện chưa mạnh nhưng một khi các tuyến đường hạ tầng kết nối 2 khu vực này với nhau hoàn thiện cùng tốc độ tăng giá đất tại Tp.HCM hiện nay thì xu hướng này sẽ càng mạnh hơn trong thời gian tới.
Ông Hoàng Văn Giới – Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển BĐS Đồng Nai cho rằng, nhiều nhà đầu tư hiện chỉ chú trọng về giá bán mà chưa thật sự chú ý đến các vấn đề pháp lý khi tiến hành giao dịch. Những vấn đề cần tìm hiểu như quy hoạch chi tiết đất thuộc loại hình gì, chủ đầu tư là ai, uy tín như thế nào vẫn ít được quan tâm. Việc tính toán đầu ra và tài chính khả thi cho gói đầu tư của mình cũng chưa được chú trọng. Theo ông Giới, không phải chỉ lựa chọn khu vực tập trung nhiều công nhân là dễ bán ra. Một khu vực đông dân cư nhưng dân cư chủ yếu là lao động thu nhập thấp, từ 5 - 7 triệu đồng/ tháng thì không phù hợp đầu tư các sản phẩm giá trị cao. Giá đất khoảng 580 - 800 triệu đồng/nền, phải xây dựng theo điều kiện bắt buộc thì giá trị cho một căn nhà sẽ dao động từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Mức giá này vượt khả năng chi trả của đối tượng mua thực, khiến sản phẩm gặp khó khăn ở đầu ra.