SearchNews

Đầu tư BĐS, chấp nhận giá trên trời

05/08/2009 09:26

Với giá bán 1.500 - 2.100 USD/m2, căn hộ thuộc dự án Usilk-City thuộc hàng đắt tại Hà Nội, song với vị trí tận Hà Đông, dự án này không hẳn hấp dẫn NĐT.

Với giá bán 1.500 - 2.100 USD/m2, căn hộ thuộc dự án Usilk-City thuộc hàng đắt tại Hà Nội, song với vị trí tận Hà Đông, dự án này không hẳn hấp dẫn NĐT.

Một số khu căn hộ dù khá hấp dẫn về chất lượng, nhưng do giá bán quá cao nên cũng lâm vào cảnh đìu hiu. Theo nhận xét của bà Vũ Thị Hòa, Cục phó Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian tới sẽ còn khó khăn, thanh khoản chỉ tập trung ở mảng nhà ở có giá hợp lý.

Tại Hội thảo "Thị trường bất động sản Việt Nam: Những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 1/8, ông Phan Thành Mai, Trưởng ban điều hành miền Bắc, Mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam cho biết, căn hộ bán qua sàn tại TP. HCM quý II so với quý I giảm 30%.

Tại Hà Nội, lượng nguồn cung (căn hộ) tung ra nhiều nhất tại Từ Liêm trong quý I/2009. Về nguồn cầu, tại thị trường Hà Nội yếu tố có tính hấp dẫn cao nhất là vị trí, yếu tố này chi phối 46% để có một giao dịch thành công.

Theo ước tính của đơn vị này, tại Hà Nội, khoảng 2.300 căn hộ sẽ được tung ra bán qua sàn trong thời gian còn lại của năm 2009, 70 dự án mới được triển khai. Còn tại TP. HCM, từ quý III/2009 đến năm 2010 có 46.000 căn hộ được tung ra bán, trong số này có 42% tập trung vào Quận II, Quận VII và Quận Nhà Bè.

Đối tượng sản phẩm giao dịch qua sàn gồm các chủ đầu tư bán sản phẩm, hợp thức hóa các sản phẩm đã bán theo dạng hợp tác góp vốn hoặc cho vay vốn kèm điều khoản quyền mua căn hộ, một số khác qua các sàn giao dịch là môi giới hoặc đầu tư thứ phát theo một doanh nghiệp nhất định. Cũng theo nhận xét của nhiều đại biểu tham dự hội thảo trên, khó có thể mua được nhà giá gốc mức "hợp lý" của các chủ đầu tư thông qua sàn giao dịch.

Nhận xét về diễn biến thị trường BĐS hiện tại, ông Vũ Văn Phấn, Trưởng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS cho rằng, tính cho đến thời điểm hiện nay, cung - cầu hàng hoá bất động sản nói chung vẫn đang ở trong tình trạng mất cân đối, "cung" thiếu so với "cầu", đặc biệt là cung - cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp.

Điều này dẫn tới giá cả BĐS, nhất là đối với giá nhà ở luôn đứng ở mức cao so với giá trị thực của nó, vượt quá khả năng chi trả của người dân. Kể cả trong thời kỳ gọi là thị trường "đóng băng" nhưng nhu cầu trong xã hội vẫn rất lớn, giá BĐS có giảm nhưng vẫn quá cao so với giá trị thực của nó.

Theo bà Hòa, thị trường nhà ở trước đây có sự phát triển lệch lạc do các doanh nghiệp đầu tư vào loại nhà cao cấp quá nhiều mà quên đi mảng "bình dân". Cung loại nhà giá cao thì dư thừa mà lượng nhà giá thấp thì quá thiếu, đến nay thị trường căn hộ cao cấp dần rơi vào bão hòa. Đã vậy, giá căn hộ cao cấp lại bị thổi lên quá cao do giới đầu cơ mua đi, bán lại, làm phân khúc này càng ảm đạm.

Trong bối cảnh thị trường xuống dốc, cộng thêm ảnh hưởng tiêu cực từ suy giảm kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuyển về phương án phát triển nhà giá rẻ, nhà bình dân để thu hút thêm khách hàng tiềm năng. Phân khúc này thu hút không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài.

Điển hình như mới đây, Tập đoàn Xây dựng Dea Dong (Hàn Quốc), Tập đoàn Vina Capital thông qua các quỹ đầu tư của mình đã và đang thương thảo với các công ty trong nước để triển khai các dự án dành cho người thu nhập thấp tại TP. HCM.

Để khắc phục tình trạng đầu cơ, thổi giá trên thị trường BĐS, khó có giải pháp hành chính nào, bản thân quy định yêu cầu chủ đầu tư bán nhà qua sàn cũng không khả thi, vì ngay từ trên giấy các căn hộ đã được bán hết. Theo các chuyên gia, việc tăng "cung" để thoả mãn "cầu" là yếu tố mang tính quyết định.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, bộ này đang soạn thảo Đề án quản lý thị trường bất động sản và đất đai, hy vọng sẽ sớm được thông qua để có cơ sở triển khai cho doanh nghiệp.

Ông Nam cũng nhận xét rằng, cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, người dân đều thiếu thông tin về thị trường BĐS, bao nhiêu đất đai có thể chuyển đổi mục đích sử dụng, nguồn vốn để triển khai các dự án BĐS ra sao... Điều này dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, định hướng phát triển thị trường.

Còn việc tăng cung, khó có thể trong ngày một ngày hai, đơn cử như việc để có được "đất sạch" ở các đô thị lớn đã là một vấn đề nan giải. Với chi phí tiền đất cao như hiện nay, để hình thành nên một chung cư giá trung bình ở các đô thị lớn là một thách thức lớn về vốn. Cũng vì những lý do đó nên việc phân phối nhà ở đến được đúng đối tượng, đúng giá cũng là một thách thức.

(Theo ĐTCK)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu