Các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 70%
Ảnh: Lê Toàn
Đến nay, đã có 218 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất tự nhiên gần 60.000 ha và 95 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản, với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 28.000 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê đạt trên 28.500 ha.
Theo nhận định, số lượng khu công nghiệp tại Việt Nam sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, bởi rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang rất hào hứng đầu tư vào phân khúc này để đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và gần nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được ký kết và chính thức có hiệu lực.
Nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered cho biết, có khoảng 44% đơn vị tham gia nghiên cứu chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư do có thị trường nội địa rất lớn, 29% nêu lý do là chi phí hoạt động thấp và 18% là nhân công dồi dào.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, sự bùng nổ dự án khu công nghiệp là do kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng. Đồng thời, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc nên Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn này, minh chứng rõ rệt là Microsolf, Samsung hay Intel…
Khi tham gia TPP, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến Việt Nam mở cơ sở kinh doanh vì sẽ tận dụng được nguồn lao động rẻ, dồi dào và tận dụng những ưu đãi về xuất xứ theo quy định của TPP để tiếp cận với một thị trường rộng lớn, hơn 800 triệu dân, chiếm 40% GDP và gần 30% thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ khu công nghiệp nào cũng nhận được sự quan tâm lớn của các nhà sản xuất. Thực tế, lựa chọn hàng đầu để xây dựng nhà xưởng sản xuất của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài là các khu công nghiệp đã được đầu tư đồng bộ về mặt hạ tầng, điện nước.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư, đơn vị đang triển khai một số dự án khu công nghiệp tại Bình Thuận và Quảng Trị cho rằng, phát triển các dự án bất động sản khu công nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường đang tăng nhanh, nhưng không phải cứ xin được đất, xây được hàng rào xung quanh là đã có thể chào thuê cho các đối tác nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài khá khó tính, họ rất quan tâm tới quy hoạch hạ tầng của một dự án khu công nghiệp, từ hạ tầng lối đi, đến đường điện, đường nước, khu xử lý chất thải…, chứ không đơn thuần chỉ là chi phí mặt bằng, chi phí nhân công rẻ được bao nhiêu.
Ngoài những ưu đãi chung của Nhà nước cho từng khu công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài còn quan tâm tới mạng lưới các nhà cung cấp nguyên liệu, vật tư phụ trợ có sẵn sàng cho hoạt động của nhà máy tại khu công nghiệp hay không. Đồng thời, họ cũng quan tâm tới cả thủ tục cấp phép đầu tư tại khu công nghiệp có thông thoáng không, thời gian cấp phép có đáp ứng được đủ tiến độ triển khai dự án hay không.
“Nếu chủ đầu tư dự án khu công nghiệp không có quy hoạch tốt, không có kết nối đồng bộ, không tực hiện đủ các thủ tục về pháp lý thì việc hưởng lợi từ những ưu đãi khác sẽ không có ý nghĩa gì”, ông Dũng cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của chủ đầu tư, ông Dũng cũng khuyến nghị, các cơ chế ưu đãi dành riêng cho phát triển khu công nghiệp cần rõ ràng hơn, khuyến khích hơn, để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tránh trường hợp do vướng cơ chế mà phải đầu tư theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, không mang lại nhiều lợi ích cho các địa phương.