Một là, môi trường kinh doanh địa ốc vẫn chưa thực sự lành mạnh, công bằng và minh bạch. Hiện tượng hình thành nhóm lợi ích trong lĩnh vực nhà đất đã xuất hiện trong các năm trước đây. Trong đó gồm cả một số dự án được đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT), được thanh toán đối ứng bằng quỹ đất đô thị. Thực trạng này khiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải quyết liệt thanh kiểm tra, rà soát dự án thời gian qua.
Hai là, doanh nghiệp địa ốc đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro, thậm chí có nguy cơ phá sản. Lý do là, thị trường thiếu ổn định, chính sách khó đoán định, trước khi ra quyết định đầu tư không tiên lượng được chi phí hoặc hiện tượng áp dụng "hồi tố". Chẳng hạn, số tiền sử dụng đất cần nộp, nộp khi nào... là vấn đề mà doanh nghiệp không thể dự đoán được. TP.HCM có trên 150 dự án bị thanh tra, rà soát trong hơn 2 năm qua. Thế nhưng, chính quyền TP chỉ mới giải tỏa cho 124 dự án được phép hoạt động trở lại.
|
Tại TP.HCM, nguồn cung bất động sản sụt giảm do thủ tục ách tắc, gây khó cho doanh nghiệp địa ốc. Trong ảnh: Một dự án bất động sản tại quận 9 đang được triển khai. |
Ba là, quy mô của thị trường bất động sản bị suy giảm. Lượng dự án sụt giảm khiến nguồn cung nhà ở, căn hộ cũng giảm xuống. Theo đó, giá nhà có thể gia tăng trong bối cảnh cung ít, cầu nhiều. Thị trường địa ốc TP.HCM liên tục sụt giảm nguồn cung kể từ tháng 3/2017 tới nay. So với năm 2017, quy mô thị trường năm 2018 giảm 34%. Lượng dự án trong quý 1/2019 được phê duyệt bởi Sở Xây dựng TP.HCM giảm tới 67%, lượng căn hộ giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực trạng này ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất, giảm đến 70%.
Bốn là, thị trường nhà đất cần nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn trong khi đang lệ thuộc quá nhiều vào vốn huy động trước từ khách hàng cũng như vốn tín dụng ngân hàng. Lộ trình siết tín dụng bất động sản đang được Ngân hàng Nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, những nguồn vốn bổ sung, thay thế chưa có. Chứng khoán chưa thật sự là kênh dẫn vốn cho thị trường địa ốc. Quỹ đầu tư tín thác bất động sản, quỹ đầu tư bất động sản chưa phát triển như mong muốn; trái phiếu doanh nghiệp địa ốc cũng chưa phát triển... Vậy nên, thị trường bất động sản chưa thực sự phát triển bền vững và lành mạnh.
Chủ tịch HoREA cho rằng, những điểm nghẽn về nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế là nguyên nhân dẫn tới 4 yếu tố rủi ro trên. Trước hết, hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đảm bảo tính thống nhất, hệ thống. Mặt khác, công tác thực thi pháp luật cũng tồn tại nhiều hạn chế, chưa đảm bảo hiệu quả, hiệu lực. Thực tế cho thấy, cùng một hệ thống pháp luật nhưng doanh nghiệp địa ốc ở địa phương này bị vướng thủ tục, còn nhiều địa phương khác lại không sao. Đây cũng chính là lý do khiến không ít doanh nghiệp bất động sản có xu hướng dịch chuyển khỏi thành phố lớn về các tỉnh tìm kiếm cơ hội gia tăng dòng vốn. Ngoài ra, quy trình hành chính, thủ tục hành chính còn trùng lặp, nhiêu khê, một số cán bộ, công chức chưa thật sự đáp ứng yêu cầu về mặt năng lực.