Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, BĐS đang là một trong những lựa chọn đầu tư chính của các nhà đầu tư ASEAN vào nước ta. Theo lũy kế đến hết tháng 6/2015, nhà đầu tư ASEAN đã đầu tư 54,6 tỷ USD vào các lĩnh vực, ngành nghề Việt Nam, có 30% (16,6 tỷ USD) vốn trong đó rót vào BĐS. Mặt khác, tỷ lệ này càng tăng lên khi đã xuất hiện các dự án tỷ USD của các nhà đầu tư Singapore và Malaysia vào lĩnh vực địa ốc.
Quốc đảo Singapore là nhà đầu tư ASEAN lớn nhất đổ vốn vào BĐS tại Việt Nam với 77 dự án (77% dự án) và 10 tỷ USD tổng vốn đầu tư (60% tổng vốn). Kế đến là Malaysia với 16 dự án cùng 5,5 tỷ USD tổng vốn đầu tư (33,3% tổng vốn). Theo sau là các nhà đầu tư đến từ Brunei, Philipines, Thái Lan với một số dự án nhỏ lẻ.
Giới đầu tư nước ngoài đổ mạnh vào các dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam
là nhờ các cơ chế hội nhập thông thoáng. (Ảnh minh họa).
Các dự án BĐS của các nước ASEAN tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Đà Năng và Tp.HCM bởi đây là những trung tâm kinh tế lớn, có điều kiện thuận lợi cho các dự án BĐS phát triển, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Cơ quan này cho rằng, mặc dù không cạnh tranh trực tiếp với các dự án BĐS cho thuê và văn phòng hạng sang với các đối thủ chính là Hàn Quốc nhưng các dự án BĐS của các nhà đầu tư ASEAN hướng vào cạnh tranh ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, du lịch. Hiện tại, đây là thế mạnh của các doanh nghiệp Malaysia, Singapore, hay Brunei. Trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn dự án vào BĐS nghỉ dưỡng vào Việt Nam, nhất là tại các điểm nóng đầu tư du lịch như Phú Quốc, Vân Đồn, Đà Nẵng,...
Các dự án thuộc phân khúc văn phòng cho thuê hạng trung và du lịch nghỉ dưỡng là các dự án BĐS chủ yếu của các nhà đầu tư ASEAN. Giới đầu tư ASEAN ít xuất hiện ở các dự án nhà ở thương mại.
Công ty tư vấn BĐS CBRE cho biết, việc hình thành AEC vào cuối năm 2015 sẽ giúp các dự án BĐS Việt Nam hút vốn ngoại nhiều hơn, nhất là các nhà đầu tư ASEAN đầu tư vào các phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, BĐS du lịch và văn phòng cho thuê.
Theo đó, một thị trường chung AEC sẽ giúp tăng trưởng các ngành công nghiệp và các sản phẩm xuất khẩu được lưu chuyển ngày càng nhanh chóng giữa các quốc gia trong khu vực này. Đây sẽ là điều kiện và cơ sở tăng nguồn cung văn phòng cho thuê và bán lẻ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu đặt văn phòng, trụ sở, kho bãi của các công ty đa quốc gia. Đó không chỉ là cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp ASEAN mà còn mở ra cho các nhà đầu tư BĐS khác trên thế giới.
Giám đốc phụ trách Nghiên cứu của CBRE tại Đông Nam Á ông Desmond Sim cho hay, theo cam kết của các nước ASEAN thì thị trường chung AEC sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 31/12/2015. Mọi rào cản thương mại trong khối ASEAN đều được gỡ bỏ và nhiều công ty sản xuất nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để thâm nhập vào thị trường có hơn 500 triệu dân này. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài cũng đang xúc tiến để gia nhập vào thị trường ASEAN. Khi đó, nhu cầu thuê văn phòng và diện tích bán lẻ sẽ lên cao.
Song các chuyên gia trong ngành cũng thừa nhận thực tế, nhân tố hội nhập AEC hay các Hiệp định FTA+ sẽ không phải là yếu tố chính khiến BĐS Việt Nam cất cánh, đạt đỉnh cao như trước đây.
Theo nhận định của Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành ông Nguyễn Văn Đực, cơ chế hội nhập sẽ khiến nhu cầu thuê mua văn phòng và nghỉ dưỡng tăng cao. Yếu tố này sẽ giúp thị trưởng giải phóng hàng tồn đọng. Nhưng những vấn đề nội tại của thị trường BĐS dư cung BĐS văn phòng cho thuê, biệt thự, nợ xấu… cần được giải quyết để thu hút thêm nhiều dự án ngoại chất lượng.
Ông Đực cho rằng: “Nếu AEC hình thành thì phân khúc BĐS cho thuê sẽ có cơ hội được giải phóng khỏi tình trạng ảm đạm hiện nay do nhu cầu thuê mua cao. Còn đầu tư nước ngoài vào BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ khởi sắc hơn tại các điểm nóng như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh,…”.