SearchNews

Giải bài toán tín dụng cho nhà ở xã hội

19/09/2014 07:43

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhà ở xã hội của người dân, nhà nước ta đã có nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ nhất định. Tuy nhiên, bài toán sử dụng những gói tín dụng ưu đãi một cách hiệu quả vẫn thực sự khó khắn.

Các chính sách tín dụng hỗ trợ ưu đãi trong lĩnh vực xây dựng đang tập trung phần lớn vào phân khúc nhà ở xã hội nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện các chính sách này chưa cao đang là rào cản lớn đối với mục tiêu tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Khó tiếp cận nguồn vốn

Sau nhiều điều chỉnh, đến nay các đối tượng vay gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội trị giá 30.000 tỷ đồng đã được mở rộng, thời hạn vay cũng được nâng lên từ 10 năm lên 15 năm. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của gói tín dụng vẫn chậm, người dân cũng như các doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận nguồn vốn do vướng nhiều thủ tục ngặt nghèo.

 

Giải bài toán tín dụng cho nhà ở xã hội
Người dân vẫn khó tiếp cận với gói tín dụng ưu đãi.

Khi được hỏi về vấn đề giải ngân chậm cũng như việc người dân khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, về nguyên tắc, Bộ Xây dựng không giữ nguồn tiền này mà chỉ thẩm định, giới thiệu dự án có đủ điều kiện để ngân hàng cho vay. Như vậy, việc giải ngân được diễn ra nhanh chóng và đúng đối tượng thì việc phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Bộ Xây dựng và ngân hàng là việc cấp thiết cần làm.

Theo thông tin từ các DN chia sẻ, để được vay vốn ưu đãi thì sau khi có văn bản giới thiệu của Bộ Xây dựng, các DN ngoài việc thực hiện một số thủ tục như: Ký bản ghi nhớ với ngân hàng cho vay về việc tài trợ vốn vay, cung cấp các hồ sơ pháp lý và hồ sơ dự án để ngân hàng xem xét, thẩm định để xét duyệt hồ sơ vay vốn…, còn phải thực hiện nhiều thủ tục khác không cần thiết do ngân hàng yêu cầu. Không chỉ thế, trong quá trình triển khai cũng đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đối với nhà ở xã hội, xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai… Đó là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ cho vay trở nên chậm chạp.

Tại dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm (Hà Nội), chủ đầu tư dự án, Tổng Giám đốc Công ty HUD, ông Nguyễn Quý Hưng cho biết, công ty đề xuất vay 150/304 tỷ đồng tổng mức đầu tư dự án, nhưng thời gian giải ngân rất chậm bởi họ phải tuân theo những tiêu chí và thủ tục riêng từ phía ngân hàng.

Tính đến ngày 25/8/2014, trên địa bàn Tp.HCM, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được 658 tỷ đồng cho 2 DN. Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng các DN khó tiếp cận gói tín dụng là bởi khi vay vốn, ngân hàng yêu cầu các DN phải có 30% vốn tham gia vào dự án, trong khi đa số DN đi vay đang gặp khó khăn về tài chính. 

Cùng bàn đến vấn đề này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, gói hỗ trợ này là một chương trình tín dụng có ưu đãi về lãi suất, vì vậy cần bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng có nhu cầu, quy định rõ trách nhiệm của khách hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng có giải pháp kiểm soát số tiền tối đa cho các DN vay bằng 30% gói 30.000 tỷ đồng. Trong từng thời điểm, tỷ lệ này có thể thay đổi, nhưng không vượt quá 9.000 tỷ đồng.

Các chính sách cần khả thi, tránh chồng chéo

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một cao của người dân về nhà ở xã hội, bên cạnh gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, nhiều chính sách tín dụng khác cũng đang được nghiên cứu, xem xét, đề xuất đưa ra để tạo thêm nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội. Điển hình là TP.Hà Nội với nghiên cứu phát hành trái phiếu Thủ đô để đầu tư cho nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong khi gói 30.000 tỷ đồng chưa giải ngân xong lại dồn thêm tín dụng mới sẽ khiến vốn chồng chéo nhau và không giải quyết được bài toán vốn cho DN. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tính toán kĩ hiệu quả cũng như tính khả thi của mỗi chính sách tín dụng, nhất là khi thị trường bất động sản còn nhiều bất ổn như hiện nay.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia thì việc đề xuất quỹ tiết kiệm nhà ở của Bộ Xây dựng với các nguồn vốn huy động chính từ thu nhập người dân mà ít có hỗ trợ từ Chính phủ là chưa phù hợp với thực tế của Việt Nam (thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng hơn 25 triệu đồng/năm) và đi ngược lại với mô hình chung của thế giới. Bởi nếu theo dõi các quốc gia đã triển khai mô hình này thì Chính phủ phải dành nguồn lực tài chính chủ yếu, mỗi người dân có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ phát triển chung của đô thị, cho dù họ có nhu cầu nhà ở hay không. 

Hiện tại, nhu cầu về nhà ở xã hội của nước ta là rất lớn (khoảng hơn 1 triệu căn). Để đáp ứng được nhu cầu "khổng lồ" này đòi hỏi phải có một nguồn vốn rất lớn. Với thực tế còn nhiều khó khăn của nhà nước ta hiện nay thì việc người dân cùng tham gia vào phát triển nhà ở xã hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, các chính sách được ban hành cần phải bám sát thực tế, có tính khả thi và phải đảm bảo mang lại hiệu quả thực sự.

Gói 30.000 tỷ là gói tín dụng đầu tiên của nhà nước ta nhằm hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội nên còn gặp nhiều vướng mắc và chậm triển khai, song đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho nhà nước trong việc đề xuất và triển khai các chính sách phát triển kinh tế.

 

Trước lo lắng của một số chuyên gia về khả năng dư thừa nguồn cung nhà ở xã hội do có nhiều chính sách tín dụng tập trung vào phân khúc này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, sự lo lắng này là không có cơ sở bởi trên thực tế, nhu cầu nhà ở của người dân đô thị là rất lớn. "Từ nay đến năm 2015, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân đến năm 2020 sẽ tăng thêm khoảng 200.000 căn. Nguồn cung nhà ở xã hội còn rất hạn chế so với nhu cầu này", ông Nam cho biết.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu