Vào ngày nghỉ cuối tuần, gia đình cựu người mẫu Thúy Hằng đã từ Hà Nội vào Đà Nẵng để nghỉ ngơi. Gia đình chị đã chọn thuê một căn hộ trong khu nghỉ dưỡng ven biển để ở thay vì chọn một resort hay khách sạn vẫn thường lui tới khi đi công tác, nghỉ ngơi trước đây.
Nằm bên bờ biển, cách trung tâm thành phố 5km, với bể bơi, khuôn viên riêng, căn biệt thự được cả gia đình chị Hằng hài lòng vì vừa mang lại cảm giác như tư gia, lại được trải nghiệm không khí, dịch vụ của khu nghỉ dưỡng. Theo chị, kiểu lưu trú này thích hợp nhất cho các kỳ nghỉ gia đình. "Giá thuê một căn hộ nghỉ dưỡng không quá cao, vì nếu nhiều người đi mà ở khách sạn, số lượng phòng lớn thì chi phí còn cao hơn", chị chia sẻ.
Tấm tắc khen như vậy nhưng khi được hỏi về khả năng sở hữu một BĐS loại này tại Đà Nẵng, chị Hằng cho biết gia đình đang có nhiều khoản đầu tư khác, nên chưa tính chuyện bỏ vốn vào một dự án nghỉ dưỡng cách xa Hà Nội hay Tp.HCM như ở đây. Tuy nhiên, với con mắt người làm kinh doanh, chị cho rằng nếu có vốn nhàn rỗi, đây vẫn là một khoản đầu tư tốt và đã giới thiệu cho một số bạn bè.
Căn hộ nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng tuy có nhiều người lựa chọn nhưng vẫn "ế ẩm".
Lãnh đạo một doanh nghiệp môi giới địa ốc lớn tại Đà Nẵng cho biết, những nhà đầu tư đến với BĐS nghỉ dưỡng nơi đây như chị Thúy Hằng là khá phổ biến. "Họ thích nhưng vẫn rất phân vân khi xuống tiền, do cả nhu cầu cá nhân lẫn yếu tố thị trường", ông chia sẻ thêm.
Theo thống kê của các doanh nghiệp BĐS, hiện Đà Nẵng có trên dưới 45 dự án nghỉ dưỡng, đủ mọi phân cấp, trải dài từ resort 6 sao InterContinational tại bán đảo Sơn Trà xuống dọc đường Hoàng Sa - Trường Sa - Võ Nguyễn Giáp về phía Quảng Nam. Trong số này có khoảng 10 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn khoảng 2.500 tỷ đồng và khoảng 30 công trình đang triển khai.
Những dự án này là một phần trong "bức tranh" sôi động của BĐS Đà Nẵng, được những đại gia như Hoàng Anh Gia Lai, VinGroup, Sungroup, Vinacapital... "vẽ" nên cách đây vài năm. Tuy nhiên, sự đi xuống của nền kinh tế cũng như thị trường BĐS sau đó đã phần nào khiến bức tranh này xỉn màu và chưa thực sự khởi sắc trở lại.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, trong nửa đầu năm 2014,BĐS Đà Nẵng không ghi nhận dự án biệt thự và căn hộ mới nào gia nhập thị trường. Nguồn cung đối với sản phẩm này ổn định với 927 căn từ 16 dự án, không đổi từ năm 2012. Trong bối cảnh đó, tỷ lệ hấp thụ phân khúc biệt thự cũng chỉ ở mức thấp với 5%, giảm 4% so với năm trước do tâm lý khách hàng vẫn chờ đợi. Về giá, mức trung bình 23,1 triệu đồng/m2 cũng giảm 8% so với năm 2013.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Sun Land, ông Nguyễn Anh Tấn lý giải, sau một thời gian dài do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, thị trường địa ốc cả nước trầm lắng khiến phân khúc biệt thự, nghỉ dưỡng không còn là lựa chọ ưu tiên đối với các nhà đầu tư. "Gần như không có giao dịch vì lượng người thực sự nhàn rỗi tiền đầu tư vào lĩnh vực này không nhiều. Thực tế khách hàng không theo nổi sản phẩm nghỉ dưỡng một phần vì hết vốn, một phần vì không có nhu cầu", ông Tấn nói.
Ưu thế về bãi biển đẹp cùng nhiều tiện ích khác đang dần thu hút khách du lịch
đến Đà Nẵng nghỉ dưỡng.
Cũng theo ông này, các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng nhất thiết phải có thời gian để chờ phục hồi lại nền kinh tế, ngoài ra cần có các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc thu hút du lịch tạo sự cân bằng trong bỏ vốn đầu tư cũng như thu hồi lợi nhuận tương xứng khi tham gia đầu tư vào phân khúc này.
Trong khi đó, ông Đinh Ngọc Sinh, Giám đốc tư vấn công ty TNHH bất động sản 247 cho biết, trong khi những dự án triệu đô ở Đà Nẵng "án binh bất động" từ năm 2007 đến nay thì mô hình căn hộ khách sạn ven biển là điểm mới cho thị trường. Tuy nhiên đây là phân khúc mới nên chưa đủ thời gian khẳng định ưu thế. "Mô hình villa, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển thì với giá bán khá cao so với mặt bằng chung tại Đà Nẵng, ít nhất cũng phải 3 - 4 tỷ đồng/căn. Khách hàng đầu tư vẫn đang nếm "trái đắng", bởi lượng khách du lịch cao cấp đến Đà Nẵng chưa thực sự nhiều và việc kinh doanh loại hình mới này chưa thực sự sinh lời", vị này nhận định.
Ông Sinh phân tích, nguyên nhân là cung chưa gặp cầu. Một số dự án mới chào bán hiện nay thực chất là những dự án cũ, "xào nấu" lại về thiết kế, giá bán, tên gọi... rồi tung ra thị trường. Người mua vẫn còn tâm lý e ngại sử dụng "đòn bẩy" vay ngân hàng vì "ngán" lãi suất không ổn định.
Hiện cả thành phố chỉ còn 3 đơn vị phân phối dự án (sàn giao dịch) hoạt động đúng nghĩa và sàn nào cũng chỉ "đủ sống" do không có nhiều dự án đế phân phối. Trong khi đó, các chủ đầu tư đều muốn tự bán sản phẩm của mình để tiết kiệm chi phí và kiểm soát được thị trường. "Điểm sáng hiện nay chính là việc đã xuất hiện những người mua thực sự đi tìm các BĐS tốt, hợp lý về giá cả. Nếu tìm được những sản phẩm như vậy, họ mới sẵn sàng xuống tiền để đầu tư", vị này nói.