Đầu tư tràn lan
Đà Nẵng là vùng đất hội tụ nhiều bãi biển đẹp, nằm giữa hai vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp là Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, nhận được nhiều thuận lợi về giao thông đường bộ, đường biển và đường hàng không. Nơi đây là điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, với chiến lược lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành phát triển. Vì vậy, BĐS du lịch của vùng cũng thu hút sự đầu tư rất lớn từ nguồn vốn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Đà Nẵng cần quản lý tốt hơn chất lượng cũng như hiệu quả sử dụng của các dự án để tránh tình trạng bùng phát tràn lan, "ngô khoai lẫn lộn" như hiện nay.
Hàng loạt khách sạn mọc lên làm bội cung phòng nghỉ
Thời kì trước năm 2010, tại Đà Nẵng chỉ có 2 khách sạn 5 sao là Hoàng Anh Gia Lai và Furama Resort, nhưng mấy năm gần đây trên địa bàn đã "mọc" lên rất nhiều khách sạn lớn như: Mercure, InterContinental, Hyatt Regency, Crowne Plaza… nâng tổng số phòng khách sạn 5 sao lên gần 1.650 phòng. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch, thiếu tính toán cũng như khả năng phân tích đánh giá thị trường chưa cao đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung - cầu.
Trước đó, vào đầu tháng 8/2014, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, trong năm 2013 khách sạn Đà Nẵng có năng lực đón đến 8 triệu lượt du khách cả nội địa và quốc tế, song lượng khách đến đây chỉ có khoảng 3,5 triệu lượt.
“Từ đó, có thể thấy lượng phòng khách sạn ở Đà Nẵng gấp gần 3 lần lượng khách đến. Tính ra trung bình mỗi khách sạn chỉ sử dụng khoảng 30% công suất, trong khi đó việc xây dựng khách sạn trên địa bàn diễn ra một cách ồ ạt làm các DN kinh doanh khách sạn đã khó lại càng thêm khó”, ông Vinh nhấn mạnh.
Một chủ kinh doanh khách sạn tại Đà Nẵng chia sẻ, trong mua du lịch năm nay, mặc dù khách sạn của ông đã giảm 20% giá so với giá niêm yết nhưng tỷ lệ trống vẫn nhiều. Theo ông, nguyên chính ở đây là do cung vượt cầu nên hiện thị trường đang diễn ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ khách sạn bằng cách giảm giá, phá giá. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh chung.
Theo các số liệu thống kê, hiện tại Đà Nẵng có khoảng 400 cơ sở lưu trú, trong đó có khoảng 10 khách sạn, khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng 5 sao chạy dọc ven biển, 9 khách sạn 4 sao và 50 khách sạn 3 sao. Lượng chứa này lớn hơn rất nhiều so với lượng khách du lịch trong vùng.
Thực tế này đã làm các chủ DN đau đầu vì chưa tìm được hướng giải quyết nhằm ngăn việc giá cả và lợi nhuận kinh doanh đang ngày một sụt giảm thì các dự án, công trình khách sạn, resort mới lại đang được khởi công ồ ạt.
Theo khảo sát của Savills, nửa cuối năm 2014, thị trường khách sạn Đà Nẵng tiếp nhận thêm 9 dự án mới với khoảng 1.140 phòng, trong đó khoảng 330 phòng 5 sao và 400 phòng 4 sao. Đến năm 2016, dự kiến thị trường khách sạn Đà Nẵng sẽ đón nhận thêm 12 dự án khách sạn, cung cấp khoảng 2.300 phòng, tương đương khoảng 43% tổng cung hiện tại.
Cần có những quy hoạch cụ thể
Trong năm 2013, tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đạt trên 3,1 triệu lượt, tổng thu du lịch đạt 7.784,1 tỷ đồng. Trong năm 2014, TP.Đà Nẵng phấn đấu sẽ đón 3,6 triệu lượt khách, tăng 15% so với năm 2013, tổng thu du lịch ước đạt 8.820 tỷ đồng. Dù tăng đến 15% nhưng tỷ lệ khách sạn được lấp đầy tại TP. Đà Nẵng vẫn chưa cao.
Dưới góc nhìn của người trong cuộc, giám đốc một khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng nhận định, để xảy ra tình trạng như ngày hôm nay là do công tác dự báo lượng khách đến với Đà Nẵng và quy hoạch phát triển khách sạn đang bị lệch pha nhau.
“Dường như công tác quy hoạch phát triển khách sạn chỉ căn cứ vào các mùa cao điểm trong năm để từ đó cấp phép, khuyến khích nhà đầu tư xây dựng một cách ồ ạt. Đây là điều hoàn toàn không nên, bởi khi lễ hội kết thúc thì ai sẽ ở những khách sạn này?”, vị giám đốc nọ đặt câu hỏi.
Như vậy, để hạn chế tình trạng bùng phát tràn lan dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả như trên, TP.Đà Nẵng cần có những quy hoạch cụ thể và cơ bản về lộ trình phát triển khách sạn.
“Cần có một chiến lược thực sự bài bản, một kế hoạch dài hơi cho ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng; có những nghiên cứu căn cứ nhu cầu của khách để khuyến cáo nhà đầu tư biết tình hình hiện tại để tính toán phương thức đầu tư hiệu quả, tránh tình trạng cung vượt cầu như hiện nay”, một chuyên gia BĐS nhấn mạnh.