Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) mang tên 'Nhà ở giá hợp lý ở Việt Nam - con đường phía trước', tại Việt Nam ngày càng có nhiều người dân ở nông thôn ra các TP làm việc, do đó đã đẩy nhu cầu nhà ở tại khu vực đô thị lên cao. Dự kiến tỷ lệ dân số đô thị sẽ đạt 50% vào năm 2040 và sẽ cần thêm khoảng 374 nghìn căn hộ ở tại các TP mỗi năm để đáp ứng nhu cầu.
Báo cáo trên nêu rõ, tính đến năm 2014, tại Việt Nam, mỗi hộ gia đình ở khu vực thành thị sinh hoạt trong diện tích trung bình 83m2. Tuy nhiên, mức giá hợp lý với đa số người Việt để có thể sở hữu là 16 triệu đồng/m2.
Theo đánh giá của WB, gói ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thị trường địa ốc Việt Nam nói riêng, và nền kinh tế nói chung sau một thời gian dài trầm lắng. Một khi gói tín dụng này kết thúc sẽ hỗ trợ được khoảng 45 nghìn hộ gia đình vay thế chấp để mua, xây mới hoặc cải tạo nhà ở và cấp vốn để xây dựng cho khoảng 65 nghìn căn nhà với giá bán hợp lý.
Tuy vậy, WB vẫn cho rằng, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ chưa phải là một mô hình kinh tế hiệu quả để tăng cường tiếp cận tài chính thế chấp và cần tái cấu trúc.
Tại TP, chi phí xây dựng trung bình cho mỗi m2 nhà cấp 4 hoặc nhà ống
là khoảng 4 triệu đồng. (Nguồn ảnh: Lê Quân).
Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho biết, có thể đạt được mức giá nhà ở hợp lý với các chi phí và rủi ro thấp nhất cho nhà nước thông qua các công cụ trợ cấp khác. Theo tổ chức này, Chính phủ cần tái cấu trúc gói hỗ trợ này để giảm áp lực cho chính sách tài khóa.
Nhà thuê hiện là phân khúc chiếm tỷ lệ lớn tại các thị trường địa ốc thành thị, báo cáo trên cho hay. Hầu hết các phòng thuê tại Hà Nội và Tp.HCM chỉ có diện tích từ 9-16m2, 3-4m2/người với nhà vệ sinh chung, khu vực bếp riêng không có và chỗ ngủ thường là một tấm đệm. Mỗi tháng, giá thuê cho mỗi căn hộ loại này từ 600.000-800.000 đồng.
Số liệu thống kê cho thấy, có trên 3 triệu m2 mặt sàn các khu tập thể cũ được xây dựng trước năm 1991 là nơi sinh sống của hơn 100 nghìn hộ gia đình. Tại Hà Nội, có 23 khu tập thể cũ 4-5 tầng, với tổng diện tích khoảng 1 triệu m2 với trên 30 nghìn hộ dân. Trong khi đó, Tp.HCM có 6 khu tập thể ở trung tâm và nhiều khu nhỏ nằm rải rác ở 12 huyện, quận với 400.000m2 nhà ở cũ hư hỏng nặng nhưng phải chứa tới 10 nghìn hộ dân sinh sống.
Tính đến tháng 1 đã có 75 dự án nhà ở cho sinh viên được xây dựng, tập trung ở ngoại thành đã bàn giao phục vụ 145 nghìn người. Còn 20 dự án khác vẫn trong quá trình thực hiện. WB cho rằng, số lượng nhà ở cho sinh viên đã ở mức lớn hơn 1,5 lần mật độ xây dựng và tỉ lệ sử dụng đất được quy định.