SearchNews

Hà Nội: Nhà, đất trên "con đường đắt nhất hành tinh” chực chờ “thổi” giá

30/06/2017 07:44

Đường Xã Đàn (Hà Nội) được mệnh danh là con đường “đắt nhất hành tinh”, tuy nhiên kỷ lục này đã bị phá vỡ với tuyến nối tiếp là đường Ô Chợ Dừa. Trong năm 2017, kỷ lục này tiếp tục bị phá vỡ khi UBND TP. Hà Nội phê duyệt chỉ giới đường Hoàng Cầu - Voi Phục (là tuyến cuối của đường vành đai I).


Bản phê duyệt chỉ giới tuyến đường Hoàng Cầu- Voi Phục được treo tại UBND
phường Ô Chợ Dừa. Với quyết định này của UBND TP. Hà Nội, đây sẽ là
"con đường đắt nhất hành tinh" mới. Ảnh: T.C

Giá nhà đất hai bên đường sau mở đường cũng đã tăng đột biến với mức tăng gấp 3 tới 4 lần chỉ trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, hiện thông tin cụ thể về ô đất, số nhà nào bị thu hồi vẫn chưa cụ thể. Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND quận Đống Đa khuyến cáo, người dân cần bình tĩnh, thận trọng khi mua bán nhà đất trước thông tin mở đường.

300 triệu/m2 đất vẫn không bán

Đoạn đường mới từ Voi Phục - Hoàng Cầu dài hơn 2,2km, chạy song song với đường Đê La Thành, có tổng kinh phí đầu tư gần 7.800 tỉ đồng. Dự án có chi phí bồi thường, GPMB, TĐC cho khoảng 2.000 hộ dân, chiếm hơn 6.400 tỉ đồng.

Theo tính toán, trung bình 1 mét đường sẽ có chi phí lên tới 3,5 tỉ đồng. Chi phí xây dựng con đường này đã phá vỡ kỷ lục 2 “con đường đắt nhất hành tinh”. Mỗi 1 mét đường này sẽ gấp gần 3 lần của đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (chi phí là 1,1 tỉ đồng/m2) và gấp 2,5 lần đường đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (chi phí là 1,4 tỉ/m2)

Trước những thông tin trên, theo khảo sát của phóng viên, từ đầu năm 2017 đến nay, giá nhà đất trên tuyến đường này đã tăng chóng mặt. Cụ thể, từ đầu năm, giá đất chỉ khoảng 200 triệu/m2 nhưng hiện tại đã tăng lên 300 triệu/m2. Chị Lan, sống ở tổ dân phố 24 (nằm trong diện phải GPMB) cho biết, từ đầu tháng 6 tới nay, khi thông tin dự kiến chi phí cho tuyến đường lên tới gần 8.000 tỉ, mặt cắt ngang tới 50m thì đất khu vực này tăng giá từng ngày”.

Tại các tổ dân phố 59, 60, 61 của phường Ô Chợ Dừa, thực trạng tăng giá đất vẫn diễn ra phổ biến. Tại con ngõ của tuyến đường Đê La Thành đi vào thuộc tổ dân phố 60, có người tới hỏi mua với giá 320 triệu/m2 nhưng chủ nhà vẫn không bán. Cách đây 1 năm, nhà đó giá 80 triệu/m2 không ai mua.

Trao đổi với phóng viên chiều 26/6, ông Phạm Văn Viên, Chủ tịch phường Ô Chợ Dừa cho biết, khi mở đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục thì dự kiến phường có 8 tổ dân phố sẽ di dời, với khoảng 900 hộ. “Thông tin cụ thể về từng hộ di dời thì phải đợi đến khi cắm mốc mặt bằng mới biết được. Dự kiến tháng 7 này sẽ cắm mốc mặt bằng, khi đó phương án di dời sẽ cụ thể”, ông Viên nói.

Thông tin mù mờ, vẫn nên thận trọng khi mua bán

Với tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục, ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Chủ tịch quận Đống Đa xác nhận, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ, giao cho sở Tài nguyên - Môi trường cắm mốc giới. Trên cơ cở mốc giới này sẽ phải điều tra khảo sát thì mới ra được bao nhiêu hộ nằm trong diện bị thu hồi.“Dự kiến từ nay tới 15/7 sẽ cắm mốc giới. Khi cắm mốc giới xong thì sẽ biết nhà nào phải thu hồi cả nhà, nhà nào bị thu hồi một phần. Bây giờ vẫn chưa cắm mốc giới nên chưa rõ cụ thể sẽ thu hồi như thế nào”, ông Giáp nói

Phóng viên cũng đặt ra câu hỏi, giá đất của tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục đang tăng từng ngày khi phê duyệt mốc giới, nếu có hiện tượng các hộ dân biết thông tin bị thu hồi nhưng vẫn giao dịch mua bán, thì người mua sẽ gặp những rủi ro nhất định.

Trả lời cho câu hỏi này, ông Giáp cho rằng, khi cắm mốc giới thì sẽ khảo sát cụ thể và lên phương án GPMB, khi đó sẽ rõ những hộ nào bị thu hồi, những nhà nào sẽ được hưởng lợi khi ra mặt đường. “Thời điểm này có thể có nhiều thông tin nhưng tất cả đều vẫn chưa rõ ràng. Người mua nhà nên đến UBND các phường để tìm hiểu thêm thông tin hoặc có thể đợi đến khi cắm mốc giới mới mua bán để tránh những rủi ro”, ông Giáp nói.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu