Hơn 200 dự án đăng ký đầu tư vào Phú Quốc hiện vẫn nằm trên giấy
Ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản du lịch Việt Nam thừa nhận, tổng vốn đầu tư đăng ký vào Phú Quốc lên tới gần 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế, chỉ có một vài dự án lớn thật sự đi vào hoạt động như khu Vinpearl Land và vườn thú Safari của Tập đoàn Vingroup, cáp treo ra Hòn Thơm của Tập đoàn Sungroup đang xây dựng... Đa số dự án đầu tư đến Phú Quốc hiện khá manh mún, nhỏ lẻ.
Trong cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp BĐS trên cả nước diễn ra mới đây tại Phú Quốc, ông Thân Thành Vũ, Chủ tịch Công ty CP Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Sao Khuê khẳng định, những vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng ở Phú Quốc làm các doanh nghiệp nhỏ "chùn chân". Theo ông Vũ, dự án của ông chỉ riêng việc mua đất, xin cấp phép đầu tư cũng mất 4 tháng, đồng thời quá trình giải tỏa giao đất cho nhà đầu tư chậm đã làm phát sinh chi phí đầu tư gấp gần 2 lần.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Ban quản lý Phát triển đảo Phú Quốc thừa nhận, khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp muốn đầu tư vào Phú Quốc là thủ tục giải phóng mặt bằng, tạo đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. Chế độ bồi thường và đối tượng bồi thường khác biệt là hai nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên.
Theo ông Tùng, những nơi khác là đất ruộng từ ngàn đời để lại, Phú Quốc ngày xưa là đất rừng xen lẫn đất nông nghiệp nên xác định nguồn gốc đất để bồi thường là rất khó khăn. Nếu xác định sai thì mất tiền Nhà nước, còn nếu xác định đúng cho Nhà nước thì người dân lại khiếu kiện. Do đó, việc khiếu kiện kéo dài càng đẩy chi phí cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Thống Nhất - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết, trong năm nay, chính quyền tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc sẽ thực hiện rà soát quyệt liệt các dự án trên hòn đảo. Cụ thể, chính quyền sẽ có biện pháp mạnh tay đối với chủ đầu tư chậm triển khai tiến độ theo cam kết.
Ông Nhất thông tin, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc xây dựng kế hoạch làm việc với các nhà đầu tư chậm triển khai thực hiện dự án để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đúng theo kế hoạch, cam kết đăng ký đầu tư. Nếu qua nhiều lần nhắc nhở, kiểm tra, kiểm soát mà nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện theo tiến độ cam kết, cấp thẩm quyền sẽ xem xét thu hồi chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn Phú Quốc theo quy định của pháp luật.
Để tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư, Chính quyền địa phương cho biết cũng đang rà soát lại công tác giải phóng mặt bằng cùng các chính sách pháp luật liên quan đến đất đai, thủ tục cấp phép. Về phía DN, các nhà đầu tư kiến nghị chính quyền địa phương nên xem nhà đầu tư là đối tác, cùng hợp tác Công – Tư phát triển thay cho cơ chế Xin - Cho, đồng thời yêu cầu làm rõ và minh bạch các quy hoạch, chính sách và ưu đãi đầu tư để họ sẵn sàng đầu tư vào mảnh đất đầu tiềm năng này.
Một số nhà đầu tư hiện vẫn chần chừ trong việc rót vốn vào Phú Quốc. Một người mua đến từ Tp.HCM chia sẻ, ông đã dành khá nhiều thời gian tìm hiểu các dự án biệt thự nghỉ dưỡng tại đây nhưng quyết định chưa tham gia thị trường vào thời điểm này vì lo ngại rủi ro.
Thông tin về thị trường BĐS Phú Quốc vẫn còn khá ít. Đa số các nhà đầu tư chỉ tập trung nhiều vào các dự án nghỉ dưỡng mà chưa tập trung vào các dịch vụ khác như bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí.
Hơn nữa, dù các tuyến đường chính xuyên đảo đã được hình thành nhưng nhìn chung, cơ sở hạ tầng trên đảo vẫn cần phải nâng cấp lên khá nhiều mới thực sự trở thành một đảo ngọc.
Mặt khác, chi phí đầu tư cao nên giá phòng ở Phú Quốc đang đắt gần gấp đôi so với Đà Nẵng, Nha Trang nên lượng khách đến khu này không nhiều.
Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình phát triển của Phú Quốc.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp