Bất động sản là ngành nghề có tỷ lệ doanh nghiệp hoàn tất giải thể cao thứ 4 trong 17 ngành nghề có doanh nghiệp giải thể. Thế nhưng, hiện bất động sản cũng là ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới thuộc "top" đầu.
|
Lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể, ngừng kinh doanh tăng đột biến trong nửa đầu năm 2018. (Ảnh minh họa, nguồn: Cafeland) |
Cục Đăng ký quản lý kinh doanh cho biết, tính chung 7 tháng qua, có 3.893 doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới, với số vốn xấp xỉ 233.000 tỷ đồng (chiếm 30,2% trên tổng số vốn đăng ký). So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới ở lĩnh vực này tăng 43,9%, cao nhất trong số 17 nhóm ngành nghề kinh doanh được thống kê.
Mặt khác, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp địa ốc cũng dẫn đầu, đạt 59,8 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới hoặc các doanh nghiệp lấn sân, mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực này kể từ khi thị trường nhà đất bước vào giai đoạn phục hồi. Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp mới của lĩnh vực kinh doanh bất động sản luôn đứng top đầu.
Việc các doanh nghiệp địa ốc gia tăng chóng mặt nhưng tốc độ giải thể cũng nhanh khiến giới chuyên gia trong ngành lo ngại sẽ tác động tiêu cực tới thị trường. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoRea) đánh giá: "Việc nở rộ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là một điều bình thường nhưng nếu các doanh nghiệp bất động sản mới ra đời dựa trên nền tảng nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại thì rất đáng quan ngại, có thể bất lợi cho cả thị trường lẫn nền kinh tế".