Năm 2012, bất động sản (BĐS) đã giảm giá đáng kể. Thời điểm hiện tại, một câu hỏi đang gây băn khoăn cho không ít người là BĐS Việt Nam đã chạm đáy hay chưa và có nên mua BĐS vào lúc này?
Năm 2012 là một năm khó khăn của thị trường BĐS do lượng hàng tồn kho khá lớn. Tuy nhiên, điều này cũng có yếu tố tích cực, bởi khi thị trường khó khăn tự nó sẽ sàng lọc những nhà đâu tư không chân chính. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, năm 2012 chứng kiến giai đoạn xấu nhất của thị trường và thị trường sẽ có những bước chuyển mình chậm trong năm 2013.
Ông Cheong Ho Kuan, TGĐ Công ty Gamuda Land Việt Nam, cho biết: “Tại Việt Nam, vấn đề chúng ta đang gặp phải là nguồn vốn cho BĐS, trong đó phải kể đến tính thanh khoản và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp tài chính để tháo gỡ tình trạng này như tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng cho thị trường BĐS. Theo tôi, những “tia sáng ở cuối con đường” sẽ ló rạng vào giữa năm 2014. Còn năm nay sẽ là khoảng thời gian để thị trường dần phục hồi trở lại và những doanh nghiệp đủ năng lực sẽ tồn tại. Nhìn chung, giá BĐS tại Việt Nam hiện nay vẫn khá cao so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á”.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam năm 2012 gặp khó khăn vì nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến là khả năng tài chính của người mua. Và gói hỗ trợ của Chính phủ với thông điệp sẽ cho vay lãi suất thấp, chỉ 6%/năm cho người mua nhà đang hứa hẹn sẽ là một yếu tố quan trọng làm ấm lại thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần DJT, cho biết: “Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm hỗ trợ cho người mua nhà, cho chủ đầu tư. Như vậy, điều này sẽ làm tăng tính thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống chắc chắn cần phải có thời gian. Có thể đến cuối năm thị trường BĐS mới ấm lại”.
Ông Cheong Ho Kuan cho rằng, mọi nhà đầu tư nước ngoài đều rất cân nhắc trước khi đầu tư vào Việt Nam nói chung và BĐS nói riêng. Trong khi các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào thị trường Việt Nam đang có xu hướng giảm. Từ sau giai đoạn 2009 - 2010, nguồn vốn đầu tư nước ngoài giảm đáng kể và tới năm 2012 chỉ đạt hơn 10 tỷ USD. Theo ông Cheong Ho Kuan, năm nay cũng sẽ không có nhiều thay đổi so với 2012 và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục giảm.
“Giá nhà ở tại Việt Nam cao hơn các khu vực khác theo tôi là do giá đất. Tại Việt Nam, giá đất cao hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực, mà một trong những nguyên nhân khiến giá đất đắt là do chi phí đền bù và quy trình giải phóng mặt bằng rất phức tạp. Phải mất rất nhiều thời gian và liên quan tới nhiều cơ quan ban ngành, để có thể thu hồi hay giải phóng mặt bằng một diện tích đất đã được phê duyệt”, ông Cheong Ho Kuan nói.
Không riêng tại Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng đã và đang xem xét và điều chỉnh hệ thống văn bản và luật về đất đai cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, phải mất rất nhiều thời gian để một bộ luật mới được Quốc hội thông qua và đưa vào thực hiện. Ngoài ra, muốn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, một trong những yếu tố để BĐS Việt Nam có thể ấm lên, đó là chúng ta phải sớm giải quyết được những băn khoăn trên của nhà đầu tư nước ngoài .
Theo VTV.VN