SearchNews

Lượng dự án nhà ở tại TP.HCM giảm kỷ lục

29/10/2019 07:59

Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã công bố báo cáo về xu thế giảm sút của thị trường địa ốc. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2019, TP.HCM không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư. Kể từ năm 2017, đây là mức giảm kỷ lục.

Báo cáo của HoREA có dẫn dữ liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM về đà sụt giảm nguồn cung dự án nhà ở trong những năm 2017 - 2019. Cụ thể, theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn TP chỉ có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư trong 3 quý vừa qua. Dự án này có tổng diện tích đất vào khoảng 5.122m2, so với năm ngoái giảm 87,5%. Đặc biệt, trong suốt 9 tháng đầu năm nay, TP.HCM không ghi nhận dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư. So với năm 2017 - 2018, đây là mức giảm mạnh nhất.

Từ đầu năm tới ngày 31/9/2019, TP.HCM có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, so với năm trước giảm 80%, so với năm 2017 giảm 86%. Tổng diện tích đất của 12 dự án vào khoảng 495.032m2, cung ứng 12.360 căn, trong đó gồm 530 nhà ở thấp tầng và 11.830 căn hộ chung cư. Số dự án nhà ở thấp tầng, nhà chung cư được Sở Xây dựng cấp phép trong 3 quý qua là 24 dự án, so với năm ngoái giảm 50%. Đồng thời, TP.HCM cũng không ghi nhận dự án căn hộ du lịch, officetel, biệt thự du lịch nào gia nhập thị trường.

dự án nhà ở tại TP.HCM giảm kỷ lục
Trong 9 tháng đầu năm 2019, TP.HCM chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong ảnh: Khu Đông TP.HCM. (Ảnh: Hữu Khoa)

Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM sụt giảm kỷ lục trong 2 năm trở lại đây. Do bị dừng triển khai hoặc không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, nhiều dự án nhà ở tại TP.HCM rơi vào trạng thái "bất động".

Lãnh đạo Hiệp hội cho rằng, những xung đột, vướng mắc của một số quy phạm pháp luật cũng như công tác thực thi pháp luật là lý do dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung dự án nhà ở nói trên. Quy mô thị trường sẽ tiếp tục sụt giảm nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả. Điều này sẽ khiến một số doanh nghiệp địa ốc lâm vào cảnh khó khăn. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn có nguy cơ phá sản.

Do nhu cầu về nhà ở quá lớn trong khi nguồn cung khan hiếm, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại bình dân giá phải chăng nên giá nhà đất gia tăng. Thế nên, phần lớn người tiêu dùng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị ngày càng khó sở hữu nhà ở.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng trong 9 tháng đầu năm 2019 cũng sụt giảm từ 30-50% lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp. Doanh số bán hàng của các nhà cung cấp vật tư, thiết bị cũng giảm đáng kể. Doanh nghiệp sản xuất vật liệu, thiết bị gặp khó trong sản xuất lẫn tiêu thụ nên người lao động trong ngành cũng bị giảm thu nhập, thiếu việc làm.

Ông Lê Hoàng Châu dự báo rằng: "Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ; đồng thời nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường bất động sản sẽ còn bị sụt giảm mạnh hơn nữa".

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu