SearchNews

Mô hình chợ truyền thống kết hợp TTTM đã thất bại

07/07/2017 08:20

Từ khi những khu chợ nổi tiếng sầm uất của Hà Nội như chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ 19/12… được chuyển đổi thành các trung tâm thương mại (TTTM) thì lại rơi vào tình cảnh vắng khách. Qua khảo sát, TP. Hà Nội đã quyết định dừng triển khai các dự án chợ truyền thống kết hợp TTTM.

Khu vực chợ truyền thống trong TTTM
Khu vực chợ truyền thống trong TTTM Hàng Da.

TTTM có gần 100 ki ốt bỏ không

Chợ Hàng Da là chợ truyền thống đầu tiên thực hiện chuyển đổi mô hình chợ dân sinh thành TTTM nhưng nó cũng chính là một trong những mô hình chuyển đổi thất bại tại Hà Nội. Được khởi công từ tháng 3/2009, TTTM Hàng Da đã được đầu tư xây dựng với quy mô 5 tầng nổi và 2 tầng hầm với tổng chi phí là hơn 223 tỷ đồng.

Đi vào hoạt động từ tháng 10/2010 nhưng suốt 7 năm nay, chợ này luôn trong tình trạng vắng vẻ, đìu hiu. Ghi nhận vào chiều ngày 5/7, tại tầng B1, nơi kinh doanh các mặt hàng rau quả, thịt, quần áo… có diện tích hàng trăm mét vuông nhưng chỉ có trên dưới 10 khách hàng, trong đó có 3 khách nước ngoài qua chợ thăm quan. Tại gian hàng thịt, 2/3 số hộ kinh doanh đã đóng cửa, một chủ hộ thì đang… nằm ngủ.

Bà Lê Thanh Hải, quầy B435 - Khu bán thịt than thở: “Tôi đã bán hàng ở chợ này 20 năm, từ khi chưa xây dựng TTTM. Trước đây, chợ Hàng Da sầm uất không kém gì chợ Đồng Xuân, nhưng từ khi xây dựng TTTM thì vô cùng ế ẩm”. Bà Hải cho biết, trung bình mỗi ngày ki ốt chỉ có khoảng 3 - 4 lượt khách, có ngày thậm chí còn không có khách. Bà Lê Thị Chắt - ki ốt B417 cũng có chung nỗi bức xúc. Bà cho biết, người dân đã quen đỗ xe ở đâu mua ở đấy, thói quen này rất khó thay đổi. Bên cạnh đó, không ai mất công, mất của để gửi xe máy 3.000 đồng/lượt rồi sau đó đi bộ hàng chục bậc thang xuống hầm để mua 3 lạng thịt cả.

Các tiểu thương tại đây cho hay, họ còn bám trụ được là do TTTM vẫn đang ưu đãi giá thuê ki-ốt. Ngoài ra, họ còn có những mối giao hàng cho nhà hàng, chứ hầu như không bán cho khách lẻ.

Tại chợ 19/12 (hay còn gọi là chợ Âm Phủ), nhiều tiểu thương cũng cho biết, so với trước đây thì việc kinh doanh của họ chỉ bằng 1/10. Ghi nhận của phóng viên tại khu vực bán cá lúc 16h chiều, đa phần các gian hàng đều đóng cửa, có nơi treo biển bán hoặc cho thuê ki-ốt. Khu tầng 1 bán rượu và tạp phẩm cũng trong tình trạng tương tự khi chỉ có vài gian hàng đầu mở cửa, còn lại hầu như đã nghỉ hoặc đóng cửa sớm. Tình trạng ế ẩm này cũng diễn ra ở nhiều TTTM như: TTTM Hàng Bè, TTTM Cửa Nam, TTTM Chợ Mơ,…

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Vượng, phụ trách chợ truyền thống tại TTTM Hàng Da cho biết, TTTM đã bố trí tầng B1 và tầng 1 là 2 vị trí thuận lợi nhất để kinh doanh phục vụ chợ dân sinh. Ngoài ra, từ năm 2010 đến 2017, Nhà nước cũng đã nhiều lần điều chỉnh tăng giá thuê đất, chi phí điện nước… nhưng TTTM vẫn tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại đây bằng cách không tăng bất cứ chi phí nào. Mặc dù vậy, thực tế, các hộ đăng ký kinh doanh ở TTTM vẫn ngày cảng giảm. Như tầng 1 khu bánh kẹo rượu bia, có 58 gian nhưng hiện mới chỉ có 17 hộ kinh doanh; Khu tạp phẩm có 104 quầy nhưng cũng chỉ có 1/2 hộ kinh doanh (53 hộ)… “Hơn 100 hộ chưa ra kinh doanh, 1 tầng rưỡi TTTM vẫn còn bỏ trống chưa có khách thuê… dẫn đến doanh nghiệp đều đang phải bù lỗ hàng tháng”, ông Vượng khẳng định.

TP. Hà Nội dừng triển khai mô hình chợ kết hợp TTTM

Lý giải về việc các TTTM dù có hạ tầng tốt nhưng đều luôn “ế khách”, đại diện Ban quản lý các TTTM đều đổ lỗi cho các lý do khách quan như sự tồn tại của quá nhiều chợ cóc, chợ tạm. Trong khi người dân Việc Nam vẫn còn đang có thói quen “chợ chân chống” thì việc vào TTTM mua thực phẩm là điều xa vời.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng phân tích, nguyên nhân các TTTM èo uột là do cách xây dựng, nâng cấp chợ truyền thống thành chợ - TTTM đã làm thay đổi chủ thể của các khu thương mại, tức là tiểu thương đã không còn đóng vai trò chủ chốt trong chợ. Bên cạnh đó, nhiều công trình xây dựng chợ kết hợp TTTM thường không lấy mục tiêu thương mại làm mục tiêu chính mà thực chất là lợi dụng các khu "đất vàng" để xây dựng rồi cho thuê văn phòng, cửa hàng… với mục đích kinh doanh thu hồi vốn.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, cách đây 3 năm, HĐND TP đã đánh giá về hiệu quả của mô hình chợ kết hợp TTTM. Sở Công Thương TP cũng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện dự án TTTM, nhưng các doanh nghiệp vẫn kêu lỗ. “Ban đầu, họ đổ cho chợ cóc, chợ tạm, đến khi TP ra quân dẹp chợ cóc, chợ tạm mà vẫn lỗ thì bây giờ phải tính lại”, ông Thăng nói.

Vị lãnh đạo Sở Công Thương cũng cho rằng, trong bài toán đầu tư thì không thể khẳng định là sẽ thắng 100%, Sở cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp nhưng nếu vẫn không được thì phải xem xét lại mô hình này. UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành văn bản yêu cầu không làm kết hợp nữa. Chợ truyền thống phải là truyền thống, TTTM là TTTM, không thể lẫn lộn hai mô hình này. Ông Thăng cũng khẳng định, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì mô hình chợ truyền thống nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu dân sinh. Đối với câu hỏi có hay không việc lợi dụng chuyển đổi để lấy các “đất vàng” xây TTTM, ông Thăng khẳng định không có việc này, vị trí nào thuận lợi cho việc gì sẽ được xây dựng phục vụ đó.

Nói về vấn đề kết hợp chợ với TTTM trong phiên họp HĐND TP. Hà Nội trong ngày 5/7, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho hay, qua khảo sát, mô hình chợ kết hợp TTTM đã không đạt hiệu quả. “Các mô hình dự kiến kết hợp chợ truyền thống với TTTM như chợ Ngã Tư Sở, chợ Xuân La sẽ không tiến hành nữa mà chỉ xây dựng chợ truyền thống thôi”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu