Những tháng cuối năm được coi là mùa cao điểm đối với nhân viên môi giới BĐS
Mùa làm ăn của môi giới
Anh Hưng, người có 5 năm kinh nghiệm trong nghề môi giới BĐS cho biết, thông thường, những tháng cuối năm luôn là thời điểm nhộn nhịp và bận rộn nhất của người làm môi giới.
Sau một thời gian tìm hiểu, thăm dò thì thời điểm gần Tết là lúc nhiều khách hàng lựa chọn để xuống tiền mua nhà. Nắm bắt tâm lý này, nhân viên môi giới buộc phải thay đổi chiến lược, tăng thời gian làm việc để tiếp cận được những khách hàng tiềm năng nhất.
Anh Hưng cho biết, nếu biết cách tiếp thị và chịu khó tìm kiếm thì mấy tháng cuối năm, lượng giao dịch nhiều hơn các tháng trước đó gộp lại. Đây là cơ hội tốt cho các môi giới.
Bên cạnh các hình thức tiếp thị phổ biến và quen thuộc như phát tờ rơi, đăng tin quảng cáo, spam tin nhắn… thì trong khoảng thời gian này, anh hưng còn tăng cường gọi điện hỏi thăm khách hàng kể cả những người đã mua, những người đang có ý định và cả những khách hàng lâu nay không thường xuyên liên lạc để gia tăng cơ hội tìm kiếm khách hàng.
Nhiều môi giới khác cũng cho biết, để san sẻ bớt công việc và tăng tính hiệu quả, việc phát triển đội ngũ cộng tác viên những tháng cao điểm này là cần thiết. Những công việc cộng tác viên có thể làm phụ như phát tờ rơi, đăng tin bài quảng cáo… còn môi giới sẽ tập trung vào việc gọi điện, gặp gỡ khách hàng nhiều hơn.
Theo anh Hưng, bên cạnh nỗ lực để phục vụ khách hàng mùa cao điểm thì việc tìm kiếm thêm các giao dịch để làm giàu bảng thành tích của cá nhân là điều môi giới nhắm đến. Việc sở hữu nhiều giao dịch thành công đồng nghĩa với sự ghi nhận của công ty. Điều này sẽ giúp các môi giới có được khoản tiền thưởng Tết hậu hĩnh.
Thị trường tiếp tục sôi động
Các chuyên gia nhận định, thị trường BĐS những tháng cuối năm sẽ sôi động hơn bởi đây là khoảng thời gian mà người mua nhà có thể xuống tiền nhiều nhất. Nắm bắt tâm lý này, nhiều doanh nghiệp đã bung hàng rầm rộ trong thời gian qua.
Báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho thấy, trong tháng 10 vừa qua, Tp.HCM có khoảng 1.225 giao dịch thành công. Con số này tăng 16,7% so với tháng trước. Số lượng lớn giao dịch thành công vẫn tập trung tại những dự án nhà ở trung và cao cấp với nhiều dự án mới được mở bán.
Bên cạnh phân khúc trung cao cấp, những tháng gần đây, thị trường cũng ghi nhận sự quay trở lại ấn tượng của phân khúc nhà có giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Him Lam cho biết, doanh nghiệp này đang phát triển dự án có giá vừa túi tiền Him Lam Phú Đông tại quận Thủ Đức. Theo kế hoạch, chủ đầu tư này sẽ tiếp tục tung ra thị trường khoảng 2.000 sản phẩm có mức giá trên dưới 1 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu ở thực của khách hàng.
Chủ đầu tư Hưng Thịnh vừa qua cũng tung ra dự án Moonlight Residence tại đường Đặng Văn Bi, Quận Thủ Đức. Đây là dự án tích hợp giữa căn hộ chung cư và nhà phố. Trước đó, Hưng Thịnh cũng đã đầu tư hai dự án khác tại khu Đông là 9 View tại quận 9 và Lavita Garden tại Thủ Đức.
“Đại gia” chuyên xây nhà cho người thu nhập thấp là Nam Long cũng vừa ra mắt thị trường 1.300 căn nhà ở xã hội EHomeS với mức giá chỉ từ 599 triệu đồng/căn tại quận 9.
Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư ngoại cũng đang chuyển hướng quan tâm đến phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp. Tập đoàn BĐS Nhật Bản - The Global Group vừa qua đã “bắt tay” công ty Nhà Mơ để phát triển dự án Dream Home Place tại quận 8.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đánh giá, thị trường BĐS các tháng cuối năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng nhỉnh hơn so với quý 3 bởi từ nay đến Tết Đinh Dậu là giai đoạn cao điểm trong năm. Tổng thể, so với năm 2015, thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại.
Cũng theo dự báo của các chuyên gia, khó xảy ra tình trạng bong bóng BĐS trong những tháng cuối năm 2016 và năm 2017 do nền kinh tế chưa phát triển nóng mà vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, tăng trưởng chậm, chính sách tín dụng vẫn đang được quản lý chặt chẽ. Các yếu tố khác dù đã xuất hiện nhưng chưa đến mức báo động.