Áp lực về các khoản vay mua bất động sản, chứng khoán bị áp tỉ lệ an toàn đến 250% đã được tháo bỏ.
Trái với sự lo sợ của nhiều người, Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực từ 1-10) đã chính thức giải tỏa áp lực về dự trữ vốn và theo đó nhiều ngân hàng lại bung tiền ra tìm khách hàng để cho vay. Ăn theo điều này, kênh bất động sản, chứng khoán hiện được xem là đích đến của nguồn vốn ngân hàng.
Tháo vốn
Ghi nhận động tĩnh kinh doanh từ các ngân hàng cổ phần sau khi Thông tư 19 ban hành thì thấy hiện nhiều đơn vị đang lên kế hoạch đẩy mạnh cho vay vốn kinh doanh mùa cuối năm, cho vay tiêu dùng và đặc biệt quan tâm cho vay trở lại với nhu cầu mua nhà ở.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại ở TP.HCM cho biết Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước đã phần nào giải tỏa mối lo cho những người kinh doanh tiền tệ. Vì thông tư mới chỉ điều chỉnh việc sử dụng vốn của ngân hàng từ nguồn huy động, còn lại những nguồn vốn khác thì xem như không bị soi. Trong khi những nguồn vốn khác ở ngân hàng thì khá lớn như vốn chủ sở hữu, quỹ dự phòng rủi ro, tài chính, lợi nhuận sau thuế chưa chia…
“Chính vì phải lo dự trữ nguồn vốn trước đây để đối phó với quy định của Thông tư 13 nên giờ đây khi đã có văn bản giải tỏa chính thức (Thông tư 19) với tỉ lệ an toàn về dự trữ vốn được nới lỏng thì ngay lập tức các ngân hàng vào cuộc đua giải ngân” - vị tổng giám đốc này cho biết.
Bất động sản hưởng lợi
Trong bối cảnh các ngân hàng đẩy mạnh bung vốn cho vay thì kênh bất động sản và chứng khoán hiện đang xem sẽ hưởng lợi trước. Vì trước đó ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phân tích nếu Thông tư 13 áp dụng thì các khoản vay mua bất động sản, chứng khoán phải chịu mức dự trữ an toàn với tỉ lệ 250%, gấp rưỡi so với tỉ lệ dự trữ hiện tại. Tuy nhiên, hiện nay điều bất lợi cho kênh nhà đất này đã không xảy ra như dự liệu, mặt khác lại còn thúc đẩy nguồn vốn chảy mạnh hơn vào bất động sản.
Thực tế thị trường cũng cho thấy điều này khi nguồn vốn vay được cởi trói thì hai tuần gần đây, kênh bất động sản, nhất là phân khúc căn hộ giá hạng trung có giao dịch rất nhộn nhịp.
Cụ thể ở dự án Happy Plaza (Bình Chánh) dù chưa mở bán chính thức, mới chỉ đưa khách hàng đi tham quan nhưng trong hai ngày 2 và 3-10 có gần 400 khách hàng đi tìm hiểu dự án. Ông Võ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Happy, chủ đầu tư dự án này, cho biết hiện đã có năm ngân hàng lớn đến đặt vấn đề sẽ cho khách hàng mua căn hộ vay vốn. “Giá bán căn hộ Happy chỉ 12,5-13,5 triệu đồng/m2, cộng thêm được ngân hàng hỗ trợ vốn vay nên tôi tin rằng dự án sẽ hấp dẫn người mua ở, nhất là người lao động, công nhân, viên chức” - ông Tùng cho biết.
Trước đó, trong lễ bàn giao căn hộ Trường Thọ và tổ chức bán hàng đợt hai của Công ty Thuduc House cũng có đến gần 10 ngân hàng cam kết sẽ cho người mua vay đến 70% giá trị căn hộ này. Chính vì thế, sau buổi lễ này căn hộ Trường Thọ cũng như các căn hộ Phước Long, Phước Bình của Thuduc House được khách hàng săn đón. Hay mới đây căn hộ Lan Phương Tower thì có luôn Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long đứng ra làm nhà tài trợ cũng hút một lượng khách hàng đáng kể.
Còn vì sao vốn ngân hàng thích đổ vào bất động sản, nhất là phục vụ nhu cầu mua nhà thì có lần trao đổi với phóng viên, ông Trương Hoàng Lương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Kiên Long, cho rằng vì đó là nhu cầu có thật trong xã hội. “Những người vay tiền mua căn hộ là đối tượng có thu nhập ổn định, đã có sẵn một số tiền nhất định và giờ chỉ cần vay thêm một khoản tiền ở ngân hàng là đủ khả năng thanh toán mua nhà. Đây cũng là những khách hàng vay uy tín, có vay có trả rõ ràng nhất” - ông Lương nói.
Từ thực tế ngân hàng sẵn sàng bơm vốn mạnh cho nhu cầu vay mua bất động sản, nhất là căn hộ giá hạng trung, một số chuyên gia về kinh tế khuyến cáo nếu nguồn vốn điều tiết không hợp lý thì rất có thể bất dộng sản lại trở nên quá nóng. Và khuyến cáo này rất đáng lưu ý vì năm 2007 khi thị trường cũng ảm đạm thì các ngân hàng bơm vốn mạnh thông qua việc cho vay mua căn hộ cao cấp thế là thị trường phát sốt.
(Theo PLTPHCM)