SearchNews

Ngoại tháo chạy - nội bắt tay

12/10/2009 08:49

Thị trường BĐS trầm lắng khiến hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài rút lui. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là thời cơ của các Cty địa ốc trong nước chiếm lĩnh thị trường.

Thị trường BĐS trầm lắng khiến hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài rút lui. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là thời cơ của các Cty địa ốc trong nước chiếm lĩnh thị trường.

Gần đây thông tin về việc Tập đoàn Vinacapital bán 70% cổ phần khách sạn Hilton cho một “đại gia” trong nước khiến dư luận quan tâm. Phải chăng các DN nước ngoài đã không còn mặn mà với thị trường Việt Nam hay họ chuyển hướng sang một thị trường khác?

Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự kiện này, ông Marc Towsend, Giám đốc điều hành Cty CBRE Việt Nam e dè: “Có thể cái dự án đó cần một ông chủ mới để nó được tân trang lại và làm mới thêm, hoặc cũng có thể họ bán là vì cần tiền để đầu tư một dự án nào đó...?”.

Người Việt Nam vốn chuộng hàng ngoại. Thị trường BĐS cũng thế, mỗi tòa nhà, mỗi dự án luôn gắn liền với một cái tên nước ngoài. Trên thực tế, khi thị trường mở cửa thì nguồn vốn của các tập đoàn nước ngoài đổ vào thị trường BĐS là một kênh huy động vốn rất hiệu quả và được các DN quan tâm.

Tuy nhiên khi BĐS tuột dốc kéo theo tính thanh khoản của thị trường giảm sâu đã khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư trong nước hoang mang, thậm chí hoảng loạn, từ đó đã kéo thị trường “đóng băng”.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, lợi nhuận giảm mạnh khiến họ tìm đường rút lui khỏi thị trường BĐS Việt Nam, để tập trung vào Trung Quốc, Singapore… khi lợi nhuận giảm mạnh đặc biệt là thị trường căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê.

Trong giai đoạn 2006 - 2007, đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam được xem là siêu lợi nhuận, đặc biệt là những dự án cao ốc văn phòng cho thuê. Điều đó khiến cho hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án.

Sự đầu tư ồ ạt của họ đã tạo nên tình trạng dư thừa căn hộ và văn phòng cho thuê. Theo số liệu từ CBRE, hiện nay nguồn cung ở một vài phân khúc đang vượt cầu, nhất là văn phòng cho thuê, dù giá đã giảm hơn một nửa nhưng tỷ lệ trống vẫn rất cao (riêng tại khu vực trung tâm TP.HCM tỷ lệ trống khoảng 15%). Hiện nguồn hàng đang cao nhất trong 10 năm qua và phải mất 4 - 5 năm nữa cung-cầu mới đụng nhau.

Riêng thị trường căn hộ, trong 18 tháng qua, tại TP.HCM đã trình làng 46 dự án, với tổng cộng gần 15.000 căn hộ. Trong khi cùng thời gian này ở Hongkong và Singapore chỉ bằng 1/4.

Theo dự báo của CBRE, từ nay đến năm 2010, riêng TP.HCM sẽ có thêm 44 dự án chào bán gấp đôi số căn hộ chào bán trong 18 tháng qua là 22.560 căn hộ. Trong khi nguồn cung quá khủng khiếp, thì giá bán căn hộ lại cao hơn nhiều so với giá thành xây dựng.

Lợi tức giảm nên thời gian thu hồi vốn cũng lâu hơn. Trong khi đó, cạnh tranh đầu tư vào dự án khách sạn, văn phòng cũng ngày càng gay gắt hơn. Hàng loạt dự án văn phòng cho thuê mọc lên ở khu vực Q.1, Q.2, Q.7, Q.9… đã tạo áp lực lên các nhà đầu tư nước ngoài đến sau. Tuy nhiên, điều này đã tạo điều kiện cho khách thuê thương lượng lại giá thuê đã quá đắt đỏ ở thời kỳ trước và các nhà đầu tư trong nước”.

Nhà đầu tư nội bắt tay nhau

Nhận định về xu hướng “nội hóa” này, ông Marc cho rằng: “Đó là điều tất yếu trong quá trình phát triển của thị trường BĐS Việt Nam. Việc các Cty nội địa đang dần chiếm lĩnh thị trường không có gì khó hiểu. Các nhà phát triển dự án Việt Nam với lợi thế về sự am hiểu sâu sắc lối sống, văn hóa cũng như nhu cầu của thị trường đối với người Việt Nam sẽ nhanh chóng tạo được niềm tin của người mua. Hơn nữa, với nguồn vốn đã dồi dào, họ sẽ thực hiện nhiều dự án có chất lượng cao hơn cả nhà đầu tư nước ngoài”.

Điều này có thể chứng minh bằng hàng loạt dự án lớn ở TP.HM thuộc về các nhà đầu tư nội địa như: Vincom, Petrovietnam, Bitexco, Times Squeare và SJC…

Hạn chế của các Cty phát triển dự án Việt Nam là nguồn vốn không dồi dào, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, việc huy động tiền đầu tư dự án càng khó khăn hơn.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủ Đức House tiết lộ: Các DN Việt Nam cũng rất linh động trong tìm nguồn vốn đầu tư dự án. Để thực hiện một dự án Cty Việt Nam thường có 6 giải pháp để huy động vốn gồm vốn chủ sở hữu; phát hành trái phiếu Cty; vốn vay; huy động vốn khách hàng; liên doanh liên kết trong và ngoài nước.

Tuy nhiên ông Hiếu cho rằng, các chính sách về thị trường chuyển nhượng BĐS cần phải chỉnh sửa kịp thời, chẳng hạn như việc phát hành trái phiếu Cty hiện đang là đề tài tranh cãi vì chưa rõ có phạm luật hay không, khái niệm còn mới, chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh...

Không như trước đây thường làm ăn nhỏ lẻ và cạnh tranh không lành mạnh, gần đây các DN Việt Nam đã “bắt tay” nhau để tạo điều kiện hơn trong việc mở rộng thị trường cũng như lấy lại niềm tin của khách hàng.

Ngày 19/9 việc 3 sàn giao dịch BĐS lớn của tỉnh Đồng Nai là Tinnghia Land, Donaland và Sonadezi ký kết chương trình hợp tác nhằm phát triển thị trường BĐS của tỉnh này cho thấy các nhà đầu tư Việt Nam không còn làm ăn nhỏ lẻ nữa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Tín Nghĩa thuộc TCty Tín Nghĩa cho biết, nhờ liên kết, các sàn hỗ trợ nhau trong đào tạo nguồn nhân lực trong môi giới, định giá BĐS (vốn đang thiếu và yếu hiện nay của các sàn).

Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT nhận định, việc các nhà đầu tư trong nước bắt tay nhau hợp tác đầu tư là điều rất đáng mừng, đã đến lúc các DN BĐS cần phải chứng tỏ nội lực và đứng vững trên đôi chân của mình.

Tuy nhiên ông Thắng cũng không phủ nhận những việc phải hợp tác với các đối tác nước ngoài đặc biệt là về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, ngay cả các thiết bị, VLXD chúng ta cũng phải hợp tác và học hỏi họ rất nhiều trong tương lai.

Thị trường BĐS Việt Nam được đánh giá rất nhiều tiềm năng và đa dạng, nhận định chung của các chuyên gia trong thời gian tới sẽ xuất hiện những Cty BĐS trong nước có tính chuyên nghiệp và hoạt động bài bản, có tính chi phối mạnh đến thị trường.

(Theo Xây dựng)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu