SearchNews

Người trẻ TP.HCM ngày càng khó mua được nhà

08/10/2019 08:17

Đối với người trẻ tại TP.HCM, việc sở hữu nhà ở ngày càng trở nên khó khăn hơn khi tốc độ tăng giá bất động sản là 50-60%/năm trong khi mức tăng lương bình quân chỉ ở mức 5-10%/năm.

Theo báo cáo mới nhất của Nielsen, do giá nhà đất quá cao so với thu nhập nên có tới 72% người trẻ (25-35 tuổi) tại TP.HCM vẫn chưa thể mua được một căn nhà. Số liệu thống kê mới nhất của CBRE cũng cho biết, bình quân mỗi năm thu nhập của người lao động tăng từ 5-10% trong khi giá chung cư tăng 10-15%/năm. Dễ dàng nhận thấy, mức tăng lương trung bình của người trẻ TP.HCM khó theo kịp tốc độ tăng giá bất động sản. Ước mơ sở hữu nhà ở của họ vì thế ngày càng xa vời.

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số "vàng" với 96,2 triệu người. Trong đó, chiếm 36% là người trẻ có độ tuổi dưới 35. Tại Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.600 USD/năm và riêng ở TP.HCM vào khoảng 6.400 USD/năm, đạt mức trung bình từ 9-10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng mỗi tháng. Dữ liệu từ DKRA Việt Nam cho biết, trong số lượng khách mua nhà, tỷ lệ người trẻ (dưới 35 tuổi) ngày càng tăng trong một thập kỷ qua, đạt mức 23%.

Theo Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam, ông Phạm Lâm, việc sở hữu nhà ở của đại bộ phận người trẻ Việt Nam ngày càng khó khăn nếu so sánh giữa thu nhập của họ trong nửa thập kỷ qua với tốc độ tăng giá nhà. Giá bất động sản từ năm 2015 tới nay gia tăng 50-60%, thậm chí tăng đến 60-100% tại các khu vực "nóng". Trong khi đó, nguồn cung nhà giá rẻ dưới 25 triệu đồng/m2 lại sụt giảm mạnh. Thị trường không ghi nhận dự án căn hộ giá rẻ nào mở bán trong quý 2 và quý 3 năm nay.

người trẻ TP.HCM khó mua được nhà
Giá bất động sản tăng cao, người trẻ TP.HCM ngày càng khó mua nhà. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh việc khan hiếm nguồn cung, mặt bằng giá bất động sản cũng tăng mạnh. Cụ thể, giá căn hộ trung bình tăng lên 36 triệu đồng/m2 thay vì mức 21 triệu đồng/m2. Vào năm 2015, giá căn hộ bình dân khoảng 16 triệu đồng/m2, hiện đạt mức 25 triệu đồng/m2. Phân khúc đất nền tăng giá vô cùng mạnh mẽ trong nửa thập kỷ qua, tăng hơn 100% tới 200%. Thậm chí, đất nền nhiều nơi tăng giá gấp 3-4 lần. Lương, thu nhập của người lao động chỉ tăng từ 5-10% trong khi giá bất động sản tăng phi mã. Như vậy, mức tăng lương gần như không theo kịp tốc độ tăng giá nhà đất.

CEO của DKRA Việt Nam phân tích: "Làm bài toán nhỏ về chi tiêu, với 15 triệu đồng/tháng, người trẻ phải chi 9 triệu làm sinh hoạt phí, tích lũy 6 triệu/tháng thì 1 năm còn dư được 72 triệu đồng. Nếu muốn mua căn hộ khoảng 1,5 tỷ đồng (căn hộ rẻ nhất hiện nay) thì người trẻ phải mất khoảng 20 năm. Nhưng lúc đó, giá nhà đã không còn đứng yên ở mức 1,5 tỷ đồng/căn mà có lẽ đã tăng gấp mấy trăm phần trăm".

Tính theo hướng vay tiền mua nhà, mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng, mỗi tháng trừ hết chi phí trả gốc, lãi cho ngân hàng thì người mua chỉ còn khoảng 3,8-4 triệu đồng. Họ không thể sống được tại TP.HCM với số tiền này. Để mua được căn nhà giá 1 tỷ đồng, người lao động phải có thu nhập tối thiểu khoảng 20 triệu đồng/tháng. Vấn đề là, trên thị trường TP.HCM không còn dòng sản phẩm căn hộ giá 1 tỷ đồng.

Trước thực trạng nêu trên, ông Phạm Lâm đề xuất, Chính phủ nên có chương trình nhà ở cho người lần đầu tiên sở hữu nhà mang tính dài hạn hoặc có thể kết hợp thành chương trình nhà ở quốc gia dành cho người mua nhà ở lần đầu. Đối với phân khúc nhà ở xã hội, cần có sự cải tiến về quy trình thủ tục giấy tờ và có cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình nhà ở này. Quỹ đất và quy hoạch là những vấn đề mà TP.HCM cần phải xem xét, nên có khu dành cho nhà ở vừa túi tiền hoặc chương trình mua nhà ở lần đầu tiên. Cùng với đó, TP nên có cơ chế chính sách minh bạch hơn trong quản lý hệ thống thông tin bất động sản.

Đối với người mua nhà, trước hết cần cân nhắc điều kiện tài chính, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tài chính, xác định rõ ràng nhu cầu sở hữu nhà ở, thu nhập thực tế, năng lực tài chính đảm bảo chi trả cho nhà ở trong dài hạn và chi phí sinh hoạt sau khi cấn trừ khoản tiền trả góp nhà hàng tháng. Theo ông Lâm, người trẻ nên ưu tiên lựa chọn nhà ở xã hội hoặc nhà ở tại các dự án mà chủ đầu tư có chính sách/chương trình bán hàng thuận tiện, nhiều ưu đãi. 

Đồng thời, khách hàng cần có kế hoạch vay, trả nợ vay ngân hàng phù hợp với thu nhập ổn định; nên tìm cách tăng thu nhập; phân bổ kế hoạch tài chính cá nhân hợp lý, hiệu quả. Ngoài ra, người mua nhà cũng nên theo dõi biến động của thị trường địa ốc, chuẩn bị sẵn tiền với trị giá tối thiểu bằng 30-50% giá nhà định mua.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu