"Sập bẫy" nhà đất giá rẻ vì nghe lời có cánh
Dọc các tuyến đường tại TP.HCM như Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh), Nguyễn Duy Trinh, Lã Xuân Oai (quận 9), Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Oanh (Gò Vấp), Trường Chinh, Cộng Hòa (Tân Bình), Lê Quang Định, Nơ Trang Long, Nguyễn Xí (Bình Thạnh), Tô Ngọc Vân, Hà Huy Giáp (quận 12), Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng (Thủ Đức), hàng loạt băng rôn quảng cáo, tờ rơi, áp phích chào bán nhà đất giá rẻ treo đầy gốc cây, cột điện, bờ tường hoặc được phát ở các giao lộ.
Giá đất nền siêu rẻ, chỉ từ vài trăm triệu đồng tới hơn 1 tỷ đồng là điểm thu hút sự chú ý của người đi đường. Đặc biệt, các bất động sản còn được quảng cáo sở hữu vị trí "nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ". Thậm chí, nội dung tờ rơi, áp phích còn cho biết dự án đã có sổ hồng, sổ đỏ riêng, được phê duyệt, cấp phép...
|
Nhiều người rơi vào cảnh "tiền mất tật mang" khi mua đất nền giá rẻ, pháp lý không rõ ràng.(Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Thế nhưng, thực tế nhà đất không như quảng cáo. Thông thường, môi giới sẽ dẫn khách tham quan dự án tại các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bình Phước,... trong khi thông tin rao bán ở TP.HCM. Rủi ro lớn nhất là khách hàng mua phải dự án "ma", lâm vào cảnh "tiền mất tật mang".
Ngụ tại phường 3 (Gò Vấp, TP.HCM), chị Đoàn Thị Hằng cho biết: "Đọc thông tin quảng cáo cần bán gấp căn nhà ở đường Hà Huy Giáp, quận 12 với diện tích 60m2, khu dân cư hiện hữu, hẻm ô tô vào được, giá 1,2 tỷ đồng, vợ chồng tôi đi xem thì thấy căn nhà nằm trong khu nghĩa địa. Rồi nữa, giá 1,2 tỷ đồng là tiền đặt cọc 50%, chứ không phải giá bán căn nhà. Sau đó, tôi đi xem nhiều căn nữa ở các quận 12, Gò Vấp nhưng cũng gặp cảnh tương tự".
Oái ăm hơn là trường hợp của anh H.T.B. ở quận Thủ Đức. Anh B. sau khi đọc thông tin chào bán đất nền tại huyện Hóc Môn đã gọi điện cho nhân viên môi giới hẹn đi xem đất vào cuối tuần. Đến hẹn, anh B. và một số khách hàng sau khi lên xe được nhân viên môi giới cho biết đất ở Hóc Môn đã bán hết nên giờ sẽ xuống huyện Đức Hòa (Long An). Đây là khu vực nông thôn cách trung tâm Sài Gòn khoảng 60km.
Tin lời quảng cáo "mật ngọt" của môi giới, anh B. quyết định xuống cọc một lô đất nền diện tích 100m2. Thế nhưng, mảnh đất này lại thuộc dự án "ma". Khi biết tin, anh B. vội vàng đòi lại tiền cọc trước đó nhưng môi giới bảo không được vì tiền đã cọc rồi thì không thể lấy lại. Không còn cách nào khác, anh B. viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí để cầu cứu.
Cẩn thận không thừa
Theo anh Lâm Hùng - nhà đầu tư chuyên phân khúc đất nền tại Phú Nhuận (TP.HCM): "Thời gian qua, chiêu thức "bẫy" khách hàng ít kinh nghiệm về bất động sản mà nhiều môi giới thường thực hiện là rao một đàng, bán một nẻo. Không chỉ thế, để tăng tính hấp dẫn cho dự án, môi giới còn "vẽ" ra một loạt tiện ích để thu hút khách hàng. Chiêu thức dễ dụ khách hàng nhất, đó là khi đã dẫn được khách xuống vùng dự án, một số công ty sử dụng lực lượng "chim mồi" để làm tăng niềm tin của khách hàng. Nhiều khách hàng mua lần đầu bằng tiền dành dụm được mà không hề quan tâm đến tính pháp lý của dự án đất nền nên dính bẫy".
Tại thị trường TP.HCM, tình trạng chủ đầu tư nhà đất vùng ven tự ý phân lô bán nền trong khi chưa đảm bảo điều kiện pháp lý diễn ra khá phổ biến thời gian qua. Việc quảng cáo rao bán rầm rộ nhà đất giá rẻ một phần đánh vào tâm lý người mua, đặc biệt hấp dẫn nhóm khách có thu nhập thấp. Vì tin lời quảng cáo có cánh mà nhiều người dân lâm vào cảnh khốn khổ.
Thế nên, để tránh rủi ro và mất tiền oan, người mua cần hết sức thận trọng. Người dân TP.HCM và các tỉnh, thành khác luôn ưu tiên phân khúc đất nền, sử dụng làm tài sản tích lũy, của hồi môn cho con cháu. Bởi lẽ, họ tin rằng, theo thời gian giá đất sẽ tăng lên. So với các loại tài sản khác, đất nền có khả năng giữ giá tốt hơn. Vậy nhưng, thực tế cho thấy, các dự án đất nền giá rẻ, ở mức thấp hơn giá bình quân trên thị trường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Do đó, khi tiếp cận sản phẩm, dự án, khách hàng cần phải hết sức tỉnh táo. Để tránh bị lừa, người mua nên tìm hiểu kỹ càng về nguồn gốc đất, thông tin quy hoạch cũng như năng lực tài chính của chủ dự án trước khi xuống tiền.
Theo Sài Gòn Giải phóng Online