Từ cuối năm 2015, nhiều chuyên gia BĐS đã cảnh báo thị trường có khả năng dư cung và nguy cơ tái diễn bong bóng BĐS. Trước tình hình đó, lãnh đạocủa Bộ Xây dựng lập tức lên tiếng trấn an và cho rằng khả năng bong bóng khó xảy ra. Tuy nhiên, với diễn biến hiện tại thị trường hiện nay, dự báo “bội thực” hàng cao cấp đang có nguy cơ thành hiện thực.
Theo báo cáo về giao dịch trên thị trường BĐS khu vực phía Nam trong quý 1/2016 vừa được các công ty nghiên cứu thị trường công bố, phân khúc nhà ở cao cấp vẫn được các nhà đầu tư “chuộng” với hàng loạt dự án được giới thiệu ra thị trường.
Doanh nghiệp BĐS đang kỳ vọng vào nhu cầu "ảo" của phân khúc căn hộ cao cấp
(ảnh minh họa)
Theo CBRE, xét về cơ cấu căn hộ bán, phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng cao nhất (41%), sau đó là phân khúc trung cấp (39%). CBRE dự báo sẽ có hơn 18.200 căn hộ hạng sang và cao cấp được chào bán trong năm 2016, và khoảng 41.000 căn ở những năm kế tiếp. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở hợp túi tiền (600 triệu - 1,2 tỷ đồng) lại đang rất khan hiếm so với nhu cầu thực.
Báo cáo của các công ty tư vấn nghiên cứu thị trường đều nhận thấy, nguồn cung căn hộ cao cấp tại Tp.HCM đang gia tăng nhanh chóng.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Savills, bắt đầu từ quý 4/2015, ở những khu vực phát triển nguồn cầu của những sản phẩm cao cấp tăng cao; lượng giao dịch của những căn hộ có tổng thanh toán hơn 300.000USD chiếm 28% tổng lượng giao dịch.
Theo khảo sát của Savills, chỉ tính từ đầu tháng 3 đến nay, hàng loạt dự án đã chính thức được tung ra thị trường, như Đất Xanh mở bán Dự án Opal Riverside tại quận Thủ Đức; Hưng Lộc Phát cũng vừa cho ra mắt dự án cao cấp The Golden Star tại quận 7; dự kiến cuối tháng này An Gia Investment công bố chính thức dự án River City; đầu tháng 5/2016, Hưng Thịnh Land cũng tung ra dự án căn hộ Saigon Mia tại huyện Bình Chánh...
TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng dân số Tp.HCM hiện đã trên 10 triệu dân, trong đó 70% dân số có nhu cầu về nhà ở hợp túi tiền. Trong khi đó trên thị trường địa ốc Tp.HCM đang tràn ngập dự án nhà ở cao cấp, đây có thể xuất phát từ việc các chủ đầu tư quá kỳ vọng vào tiến trình hội nhập TPP và các hiệp định thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình hội nhập chỉ mang đến những cơ hội tiềm năng cho lĩnh vực nhà ở, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách khác.
Bên cạnh đó, TS. Hiếu cũng cho biết thêm thời gian qua chúng ta đang quá kỳ vọng vào việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo các quy định mở của Luật Nhà ở. Thực tế cho thấy đã gần một năm rồi số lượng người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam cũng rất ít, không phải ai cũng có điều kiện mua nhà. Nhà ở cao cấp cũng chỉ dành cho một bộ phận nhỏ các chuyên gia cấp cao, còn người nước ngoài tầm trung vẫn chưa có điều kiện mua nhà tại Việt Nam.
"Chỉ khi chúng ta mở rộng các quy định cho người nước ngoài được vay tiền ngân hàng mua nhà, được thế chấp nhà hình thành trong tương lai... thì may ra số lượng người nước ngoài mua nhà mới tăng lên đáng kể", TS. Hiếu nói.
Với bức tranh mất cân đối này, một số chuyên gia kinh tế khẳng định thị trường đang diễn ra tình trạng bội cung lớn, do các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào một nhu cầu "ảo" ở phân khúc cao cấp.