Các nhà đầu tư cần cân nhắc để đưa ra quyết định đầu tư chính xác
Hiện nay, tại Tp.HCM, phân khúc BĐS cao cấp đang phát triển mạnh trên cơ sở hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư lớn nhằm liên kết Vùng đô thị Tp.HCM. Về phía Đông, TP cũng đã và đang đầu tư lớn cơ sở hạ tầng với các dự án Đại lộ Đông Tây - hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 1, cầu Sài Gòn 2, cầu Bình Triệu 2, cầu Phú Mỹ, mở rộng xa lộ Hà Nội, đường cao tốc Cát Lái - Long Thành - Dầu Giây, đường Phạm Văn Đồng, 04 tuyến đường vành đai KĐTM Thủ Thiêm, sẽ tiếp tục hoàn thành tuyến Metro số 1, cầu Thủ Thiêm 2, cầu Thủ Thiêm 4, nút giao thông Mỹ Thủy, cầu Cát Lái nối Q.2 và huyện Nhơn Trạch... Bởi những lý do đó, phân khúc BĐS cao cấp đang có điều kiện phát triển rất mạnh. Ngoài ra, Khu đô thị Nam Sài Gòn cùng một số quận có điều kiện thuận lợi hiện đang có sự chuyển dịch, hình thành thêm khu vực phát triển BĐS cao cấp tập trung vào khu Đông TP. Khu vực này bắt đầu có hiện tượng cung vượt cầu, thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Đối với phân khúc BĐS nhà ở thương mại giá thấp và NƠXH, nhất là nhà ở cho thuê giá rẻ lại đang chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân, luôn ở tình trạng khan hiếm. Chỉ có một số DN tiêu biểu như Lê Thành, Nam Long, Hưng Thịnh.. đầu tư phát triển nhà ở phân khúc này. Luật Nhà ở 2014 đã đề ra các cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển NƠXH dài hạn. Đây được coi là hướng đầu tư hiệu quả, có tính thanh khoản cao, an toàn, bền vững.
BĐS du lịch, nghỉ dưỡng được đánh giá đang phát triển mạnh, đầy triển vọng. Theo đó, BĐS công nghiệp có tiềm năng lớn do xu thế chuyển dịch dòng vốn đầu tư, chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam, nhất là các ngành công nghiệp phụ trợ. Có thể kể đến việc xây dựng nhà xưởng cho thuê tại KCN đô thị cảng biển Hiệp Phước, Khu Công nghệ cao TP, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP… Ngoài ra, BĐS văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh, phát triển theo đúng nhu cầu hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của giới trẻ. BĐS giáo dục cũng được cho là hướng đầu tư nhiều tiềm năng.
Các thương hiệu lớn trong và ngoài nước như CoopMart, Thế giới di động, Nguyễn Kim, Satra Mart, Satra Foods, Maximart, Metro Cash, BigC, Lotte, Aeon, Auchan Super (Simply Mart), Central, đặc biệt là sự xuất hiện lần đầu tiên của thương hiệu Takashimaya tại TP.HCM... đang trong cuộc cạnh tranh gay gắt ở phân khúc BĐS thương mại. Theo đó, thị trường ghi nhận, các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Châu Âu có xu thế đầu tư “mạnh tay” vào BĐS thương mại.
Các nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group, CJ lại có cuộc cạnh tranh gay gắt ở phân khúc BĐS vui chơi, giải trí. BĐS y tế hiện đang rất thiếu các bệnh viện đẳng cấp quốc tế để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh cho du khách, người nước ngoài và người dân trong nước. Do đó, phân khúc này được đánh giá là có nhiều tiềm năng bởi chỉ riêng người Việt Nam hàng năm đã dành đến hơn 1 tỷ USD đi khám chữa bệnh ở nước ngoài. Nhu cầu BĐS điều dưỡng dành cho người già đến từ các nước phát triển, trước hết là Nhật Bản, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp đang tăng trưởng rất nhanh trong thời gian tới…
Để xây dựng Tp.HCM sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, TP đã đưa ra Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị với "Chương trình chỉnh trang đô thị cũ" gồm 3 nội dung trọng tâm là: Chương trình xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng nặng mà ưu tiên là xây dựng lại 474 chung cư xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng, với mục tiêu giải quyết 50% số chung cư này từ nay đến năm 2020; Chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, di dời, tái định cư hơn 20.000 hộ dân; Chương trình chỉnh trang các khu dân cư cũ lụp xụp ở nội thành cũng theo hướng nâng lên cao tầng; "Chương trình phát triển các KĐTM" với các đô thị vệ tinh trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận, cũng là hướng đầu tư nhiều tiềm năng…