SearchNews

Suất ngoại giao đã hết thời hoàng kim

19/11/2014 15:05

Nếu như trước đây suất ngoại giao đã giúp nhiều người kiếm bộn tiền chỉ trong một thời gian ngắn thì nay nó lại trở thành cơn ác mộng đối với không ít người. Đã hết thời hoàng kim của kiểu đầu tư 'lướt sóng' suất ngoại giao.

Của cho là của nợ

Sau khi được chủ đầu tư tặng cho một suất ngoại giao, anh Hải đã đôn đáo tìm kiếm khách hàng nhưng lại rơi vào tình huống khó xử bởi bán không xong mà trả cũng chẳng được do đã trót đóng tiền đặt cọc. 

Nhờ có mối quan hệ khá thân tình với một chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), anh Hải (trưởng phòng một công ty xây dựng) được tặng một suất ngoại giao với chiết khấu lên đến 5%. Chủ đầu tư ngọt ngào quảng bá, dự án được đánh giá khá hot trong khu vực nên chắc chắn sẽ hút khách ngay lần mở bán đầu tiên. Chưa hết, họ sẽ bán theo kiểu nhỏ giọt nên sẽ tạo sóng cho thị trường. Theo đó, những người bán suất ngoại giao sẽ thu được nguồn lợi lớn.

Tuy nhiên, những người mua suất ngoại giao chịu một điều khoản ràng buộc là sẽ phải đóng 50 triệu đồng tiền đặt cọc cùng với cam kết người mua thứ cấp sẽ không được phép mua đi bán lại trong vòng 6 tháng tiếp theo.

rao bán suất ngoại giao
Trên khắp các trang mạng đầy rẫy những tin rao bán suất ngoại giao.

Với suất ngoại giao 'được cho' này, anh Hải vội vay tạm tiền người quen để thực hiện phi vụ làm ăn. Số lượng người mua đông nghịt trong ngày đầu tiên mở bán khiến anh vô cùng phấn khởi và hy vọng sẽ kiếm được tiền từ mối quan hệ này. Tại thị trường thứ cấp, tiền chênh căn hộ ngày mở bán lên đến hàng chục triệu. Nếu bán luôn căn ngoại giao này, tính sơ sơ thì cả tiền chênh và tiền được chiết khấu anh Hải có thể bỏ túi cả chục triệu đồng. Vậy nhưng, anh Hải cố giữ chờ giá lên cao hòng thu lời nhiều hơn.

Song, giá căn hộ đã hạ nhiệt chỉ sau 1 tháng. Do không đoán được diễn biến phức tạp của thị trường, anh Hải rơi vào tình thế khó xử. Trong khi suất ngoại giao khó bán và chỉ được giữ trong vòng 3 tháng, mà tiền đặt cọc ở chủ đầu tư khó có thể rút ra được. Thế nên, để lấy tiền về, anh Hải đã lên khắp các trang mạng để rao bán như một 'cò' đất.

Nhưng, điều mà anh Hải giật mình là không chỉ riêng anh mà rất nhiều nhân viên khác trong công ty và đối tác cũng được suất ngoại giao, hơn nữa họ còn được chiết khấu cao hơn. Không ít trường hợp mua trực tiếp của sàn còn được ưu đãi. Vì vậy, căn hộ anh rao bán cũng không được nhiều người quan tâm.

Suốt cả tháng trời lang thang khắp các sàn và nhờ cậy nhân viên môi giới, anh Hải cũng đã giải quyết được 'của nợ', ngoài số tiền đặt cọc, anh lãi thêm 5 triệu. Anh Hải cười nói: "Thật đúng, của cho là của nợ".

Hết thời hái ra tiền nhờ suất ngoại giao

Tương tự như trường hợp của anh Hải, chủ đầu tư một dự án căn hộ cao cấp cũng ưu ái tặng một suất ngoại giao cho anh Tùng (nhân viên một công ty tư vấn tại quận Thanh Xuân). Theo đó, chủ đầu tư sẽ chiết khấu cho anh 3% khi mua căn hộ hoặc anh có thể tìm khách bán lại để hưởng số tiền này. Như vậy, một căn hộ giá khoảng 2 tỷ đồng thì anh Tùng sẽ có được 60 triệu đồng tiền lãi. Anh Tùng được lời hứa sẽ có một suất như vậy trong ngày mở bán sau nhiều lần 'chè chén' với chủ đầu tư.

suất ngoại giao
Không hề dễ bán suất đầu tư bởi nguồn cung căn hộ đang tăng mạnh

Khi có được suất ngoại giao trên, anh Tùng cũng nuôi nhiều hy vọng. Thực ra, anh chỉ biết mình có suất đó chứ không hề hay biết thông tin cụ thể về căn hộ đó. Anh đã làm việc với nhân viên của sàn để chia mức chiết khấu trong trường hợp bán được và đại diện chủ đầu tư hứa sẽ sớm giải quyết căn này cho anh.

Nhưng, sau gần nửa năm, khi dự án mở bán hết tòa này tới tòa kia, anh gọi điện tới sàn hỏi về căn hộ của mình, lần nào chủ đầu tư cũng trả lời 'đang hết sức cố gắng'. Điều đáng nói là, do không có nghiệp vụ và quan hệ nên anh Tùng không thể tự bán được suất ngoại giao này.

“Mấy suất ngoại giao giờ có cũng như không. Hiện giờ suất ngoại giao rất khó nuốt. Hiện nay, việc bán nhà không hề dễ chút nào", anh Tùng chia sẻ.

Theo đại diện một chủ đầu tư ở Hà Đông, số lượng suất ngoại giao lên đến hàng chục căn tại mỗi đợt mở bán. Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư cũng 'khôn' hơn trước rất nhiều, họ đưa ra các điều kiện ràng buộc, những suất ngoại giao rơi vào các căn hộ loại to, không thuận lợi về vị trí nên rất khó bán. Chỉ những ai có nhu cầu mua để ở mới thấy được giá trị của những căn hộ này, trong khi với các nhà đầu tư thì việc 'lượt sóng' không mấy thuận lợi.

Vị đại diện này cho biết: “Chúng tôi vẫn có suất ngoại giao để giữ mối quan hệ, song tỷ lệ bán được những suất căn hộ này như ngày trước thì rất ít. Chỉ có những dự án căn hộ giá rẻ mới dễ kiếm lời trong thời buổi hiện nay".

Các suất ngoại giao trước đây được giới đầu tư ví như vớ được tiền vì chỉ cần mối quan hệ có được suất mua này, việc kiếm được hàng trăm triệu đồng đối với họ không hề khó. Nhất là, chỉ những đối tác thân tình với chủ đầu tư mới có được đặc quyền ưu đãi đó. Thế nhưng, khi thị trường địa ốc giảm nhiệt, phân khúc cao cấp ồ ạt mở bán thì việc lướt sóng những căn hộ ưu đãi như vậy không hề dễ dàng.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu