Xếp hạng của Global Annual Index 2014 cho thấy, Malaysia và Thái Lan lần lượt đứng thứ 3 và 7 trong top 15 nước đáng để người cao niên đầu tư an dưỡng.
Kathleen Peddicord tác giả đồng thời là nhà xuất bản của cuốn Live and Invest Overseas nhận định: “Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu với nhiều người cao niên đang tìm nhà ở trên thế giới. Bởi họ có thể an dưỡng tuổi già tại đây với một mức giá phải chăng mà vẫn đầy đủ dịch vụ, tiện ích.”
Mô hình nhà ở cho người cao niên - trung tâm y tế - công trình tiện nghi
Một số nước như Malaysia và Thái Lan đang triển khai các dự án làng cho người cao niên để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cho loại hình nhà ở này. Làng cho người cao niên là một khu dân cư bao gồm nhiều người cao niên có độ tuổi 55 hoặc nhiều hơn sống trong những căn hộ độc lập.
“Làng cho người cao niên thường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách liên kết với các trung tâm y tế hoặc được xây dựng gần các cơ sở y tế. Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa được phổ biến tại Malaysia, nhiều dự án được triển khai nhưng vẫn chưa được hoàn thành.” Veenah Loh, tổng giám đốc của Malaysia Property Inc (MPI) nhận định.
Thị trường nhà ở tại Đông Nam Á thu hút người cao niên trên thế giới đến sinh sống
Ngoài ra, một mô hình chăm sóc sức khỏe đạt chuẩn quốc tế và hỗ trợ các tiện ích đặc biệt là những ưu tiên hàng đầu của người cao tuổi, đặc biệt là những người có nhu cầu chăm sóc ở mức độ cao. Tính gắn kết với cộng đồng cũng khá quan trọng, Martin Woodtli, giám đốc của trung tâm Baan Kamlangchay dành cho người cao niên tại Chiang Mai, Thái Lan hi vọng, trong tương lai các nhà đầu tư trên thế giới sẽ chú ý nhiều hơn đến mô hình này.
Tại Ara Damansara, Kuala Lumpur, công ty HSB Development Sdn Bhd cũng đang cho xây dựng dự án Ara Green Residences- khu căn hộ dành cho nhiều thế hệ gia đình sinh sống (những thành viên trong gia đình bao gồm cả trẻ em và người già đều có thể sống chung dưới một ngôi nhà), khu căn hộ này nằm gần các trung tâm thương mại và sân goft. Ngoài những tiện ích như hồ bơi và khu vực phòng chờ, sân goft trong nhà, sân cầu lông, vườn thảo mộc và phòng karaoke, người thuê còn được tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe MediHome của HSC Healthcare (một bệnh viện tại Kuala Lumpur) ở ngay tại nhà.
Nhà ở cho người cao niên có tiềm năng phát triển lớn
J.J. Reyes, điều hành trung tâm Overseas Retirement Care chuyên cung cấp dịch vụ cho người cao niên sống độc lập tại Mỹ chia sẻ, anh đang hợp tác với một tập đoàn của Mỹ và một trung tâm y tế của Philipines để xây dựng một trung tâm Continuing Care Retirement Community (CCRC) tại Philipines dành cho đối tượng người cao tuổi thuê. Tại Mỹ, hiện có khoảng 1.900 trung tâm CCRC và dự kiến con số này sẽ gấp đôi trong mười năm tới.
Reyes cũng cho biết chính phủ Philipines, Thái Lan và Malaysia đều có chính sách cung cấp thị thực cho người cao niên nước ngoài phù hợp và Hiệp hội người cao tuổi Philipines (Philippine Retirement Authority) còn khuyến khích phát triển các ngôi làng dành cho người cao niên tại các thành phố hạng 2 như Lipa City, Batangas và Baguio City thuộc tỉnh Mt. Province, đây là những nơi có khí hậu trong lành, người dân sử dụng tiếng Anh cao và giá cả dịch vụ chăm sóc y tế khá phải chăng. Người cao niên bị mắc chứng bệnh Alzheimer chỉ phải trả giá thuê từ 1.500 đến 3.500 USD cho Trung tâm mỗi tháng, trong khi giá dịch vụ này ở Mỹ sẽ tốn trung bình 6.900 USD.
Người cao niên nước ngoài sống tại các nước Đông Nam Á cũng khá đa dạng về quốc tịch. Theo Cecila Wong, giám đốc bộ phậm marketing và tổ chức sự kiện của IMAPAC, người Anh và Singapore sống tập trung tại Malaysia, người Australia sinh sống nhiều tại Indonesia, người Châu Âu và Mỹ lại tập trung tại Thái Lan và Philipines có cả người Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sinh sống.
Các ngôi làng cho người cao niên ở Đông Nam Á hiện tại mới chỉ thu hút khách hàng từ các khu vực khác trên thế giới, bởi vì các gia đình Châu Á thường có xu hướng chăm sóc người cao tuổi tại gia đình. Tuy nhiên, khi mô hình nhà ở cho người cao niên nên phổ biến và có giá cả phải chăng hơn, xu hướng này có thể sẽ thay đổi, Reyes nhận xét.