SearchNews

Thương mại điện tử giúp bất động sản logistics Việt Nam tăng nhiệt

24/08/2018 11:25

Bất động sản logistics (hậu cần) đang là ngành dẫn đầu trong các loại hình đầu tư bất động sản thương mại hấp dẫn nhất châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Mới đây, JLL đã công bố báo cáo về tiềm năng thị trường bất động sản logistics Việt Nam trong bối cảnh bùng nổ thương mại điện tử khắp châu Á Thái Bình Dương.

JLL cho hay, tại Việt Nam, doanh thu mua sắm trực tuyến liên tục gia tăng khi điện thoại thông minh phát triển không ngừng và mạng 4G ngày càng phủ sóng rộng. Theo đó, nhu cầu cũng như áp lực lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, hệ thống nhà xưởng, nhà kho, các kênh phân phối và bán lẻ cũng gia tăng.

Dẫn kết quả khảo sát của KPMG về “Sự thật về người tiêu dùng trực tuyến”, đơn vị này thông tin, người Việt Nam thích tính năng so sánh giá, những đợt giảm giá trực tuyến và các gói sản phẩm có giá tốt hơn trên những website bán hàng trực tuyến như Lazada, Amazon và Tiki.

Đã có những thương vụ lớn diễn ra trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam như Alipay của Jack Ma, nhà sáng lập của Alibaba và Tổng công ty thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS).

Bên cạnh đó, JD.com (đối thủ cạnh tranh của Alibaba) đã bỏ ra 44 triệu USD vào cổng thông tin thương mại điện tử nội địa Tiki. Central Group đã thâu tóm Zalora Việt Nam và đổi tên thành Robins Việt Nam trong năm 2016.

Nhóm bất động sản logistics Việt Nam
Nhóm bất động sản logistics Việt Nam gồm khu công nghiệp, cảng, khu bãi và khu trung chuyển hàng hóa. (Ảnh: JLL)

JLL nhận định, một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển thành công của thị trường thương mại điện tử là logistics. Hiện tại, Việt Nam là tầm ngắm của nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử ngoại. Sự ra đời của Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW tại Việt Nam, liên doanh giữa nhà đầu tư Becamex IDC và Quỹ đầu tư toàn cầu Warburg Pincus hồi tháng 1/2018 minh chứng cho tiềm năng phát triển của thị trường này.

Thị trường logistics Việt Nam vẫn còn khá sơ khai so với các nước khác trong khu vực. Hơn nữa, lĩnh vực hậu cần chủ yếu phát triển ở khu vực xa trung tâm, sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp. JLL cho rằng, với tiềm năng của lĩnh vực sản xuất và ngành thương mại điện tử, logistics Việt Nam trong tương lai sẽ bước lên nấc thang phát triển mới.

Thế nhưng, lĩnh vực bất động sản logistics Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức. Một là mức đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực. Để có một hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ và xuyên suốt cần khoảng thời gian nhất định. Trên thực tế, không ít dự án giao thông bị chậm tiến độ vì vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, huy động vốn và mô hình hợp tác công tư (PPP) chưa đạt thành công như mong đợi.

Hai là thời gian, chi phí trong quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam cần phải cải tiến nhiều. Theo báo cáo “Doing Business 2018” của World Bank, để xuất khẩu sản phẩm có lợi thế so sánh, Việt Nam cần 105 giờ. Trong khi đó, để nhập khẩu phụ tùng ô tô cần 132 giờ, dài hơn nhiều so với 62 giờ đối với xuất khẩu và 54 giờ nhập khẩu tại Singapore.

So với các nước trong khu vực, chi phí giao dịch qua biên giới (chi phí xuất nhập khẩu và chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục) của Việt Nam kém cạnh tranh hơn. Đáng chú ý, chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục chiếm hơn 30% trong tổng chi phí. Con số này tại các nước phát triển như Singapore chỉ dao động trong khoảng 10-15%.

Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017-2018 cho biết, mức tăng trưởng của Việt Nam khá khiêm tốn, đứng thứ 55, kế đến là Philippines. Như vậy, Việt Nam cần cải tiến trên tất cả các phương diện, nhất là ở các chỉ số trong Nhóm các yêu cầu căn bản (thứ 75), trong đó hạng mục Giáo dục đại học và đào tạo (thứ 84). Hoạt động kinh doanh gặp nhiều trở ngại bởi tình trạng thiếu lao động có trình độ cao. 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu