Vingroup là chủ đầu tư của Dự án Trung tâm thương mại trong lòng đất tại
Tp.HCM. Ảnh minh họa
Hơn 6.300 tỷ đồng cho Trung tâm thương mại ngầm
Đề cương xây dựng khu thương mại ngầm dưới nhà ga Trung tâm Bến Thành, nối liền phố đi bộ Nguyễn Huệ đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp.HCM trình lên UBND TP chờ phê duyệt.
Theo bản đề cương, diện tích của trung tâm thương mại ngầm là gần 45.000m2. Trong đó, diện tích dành cho cửa hàng và khu thương mại là hơn 18.000m2, dành cho hành lang và quảng trường là 21.000m2.
Công trình ngầm này sẽ được nối với các tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (quận 12), tuyến metro số 3a Bến Thành - bến xe Miền Tây ( quận Bình Tân) và tuyến metro số 4 Thạnh Xuân (quận 12) - đường Nguyễn Văn Linh (quận 7)...
Sau khi đến ga trung tâm Bến Thành, hành khách có thể vào phố đi bộ của trung tâm mua sắm tầng ngầm, di chuyển đến Nhà hát TP và dạo bộ tại quảng trường Nguyễn Huệ. Đặc biệt, dưới khu trung tâm này sẽ có các lối kết nối với những tầng hầm khác của tòa nhà lân cận.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp.HCM đánh giá: Sự ra đời của khu trung tâm thương mại ngầm sẽ mở ra một không gian mua sắm cho người dân, đồng thời cũng giúp tăng cường khả năng thu hút khách sử dụng cho tuyến Metro sắp được vào sử dụng...
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Đất đai - hạ tầng giao thông - du lịch Nhật Bản Kisaburo Ishii, đây là một dự án quan trọng và là điểm nhấn trong toàn bộ sự phát triển của Tp.HCM.
Dự án Trung tâm thương mại ngầm đầu tiên tại Việt Nam dài 700m, rộng 60m, cách mặt đất 3m, được xây dựng nhiều hạng mục khác nhau với tổng vốn đầu tư là 6.374 tỷ đồng.
Nhà đầu tư Nhật Bản để mắt tới dự án
Theo thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị Tp. HCM, nhiều doanh nghiệp đã để mắt tới việc đầu tư vào dự án khu trung tâm thương mại ngầm này. Các doanh nghiệp tham gia sẽ được lựa chọn theo tiêu chí riêng và theo hình thức đấu thầu.
Tại thời điểm này, có công ty Công ty Tonshin Development của Nhật Bản đã đưa ra đề xuất muốn được cùng với Ban quản lý đường sắt đô thị thực hiện nghiên cứu và phát triển dự án.
Theo đó, phía bên Nhật Bản đã đề xuất hợp tác theo hình thức công tư (PPP) để huy động được đủ số vốn hơn 6.300 tỷ cho dự án. Trong đó, tỷ lệ chi phí mà đối tác công tư lần lượt là 67% và 33%.
Phương án thu hồi vốn cho dự án là thu thuế từ các hoạt động kinh doanh của dự án và từ khoản lợi nhuận kinh doanh của khu vực thương mại.
Theo sự nhận định của phía Nhật Bản, phải mất tới 10 hoặc 11 năm mới có thể trả xong chi phí xây dựng này và họ cũng xem xét hỗ trợ nguồn vốn ODA đối với một phần dự án này.
Thứ trưởng Kisaburo Ishii có cái nhìn khá lạc quan về tương lai của dự án và cho biết: Một khi dự án được đưa vào sử dụng, sẽ mang lại một nguồn tài chính lớn cho Tp.HCM. Theo quy hoạch, thời điểm thực hiện dự án trung tâm thương ngầm này sẽ ở giai đoạn 2018-2023.
Nếu được chấp thuận, việc xây dựng TTTM ngầm có quy mô lớn tầm bậc nhất của khu vực ASEAN phỉ cần đến một khoản chi phí lớn, vì vậy, nhà đầu tư Nhật sẽ thực hiện liên kết với Chính phủ Nhật để thực hiện.
Xu hướng xâm nhập lòng đất
Theo thông tin từ Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) Tp.HCM, trong chiến lược đầu tư phát triển đến năm 2020 mà các quy hoạch được đề ra, sẽ có một “thành phố năng động” sâu bên dưới lòng đất được hình thành tại Sài Gòn.
Thực tế hiện nay ở Tp.HCM cho thấy, các dự án trong lòng đất đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành với đầy đủ các hạng mục: Từ giao thông vận tải, hạ tầng cho đến các công trình văn phòng, trung tâm thương mại và khu vui chơi, mua sắm...
Nhìn rộng ra cả nước và các nước trong khu vực, có thể dễ dàng nhận thấy một xu hướng đang được hình thành, đó là việc ngày càng xuất hiện nhiều những khu trung tâm thương mại và các công trình ngầm...trong lòng đất. Và đã có không ít các đại gia nhà đất thành công với hướng đi này như Keppel Land hay Vingroup,...
Các công trình xây dựng trung tâm thương mại dưới lòng đất luôn có một sức hút hết sức đặc biệt đối với người tiêu dùng không chỉ bởi việc mua sắm thông thường mà còn ở cả không gian khám phá, thiết kế cũng như các dịch vụ tiện ích.
Nhận định về xu hướng này, Tổng Giám đốc Công ty Keppel Land Vietnam Linson Lim cho biết, sự gia tăng dân số, nguồn đất đai ngày một khan hiếm do quá trình đô thị hóa đã làm nảy sinh nhu cầu khai thác không gian ngầm mà không ảnh hưởng đến mặt đất.
Tuy các công trình ngầm thường có chi phí cao hơn rất nhiều so với trên mặt đất nhưng hứa hẹn sẽ tạo được nhiều thuận lợi cho khách hàng khi đi mua sắm và có thể thỏa thích mua sắm ở bất kì thời tiết nào, dù mưa hay nắng.