|
Được ví như một khu đảo của Tp.HCM, nên quận 4 đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư BĐS cao cấp. |
Sức hút của quận 4
Nguồn cung của căn hộ cao cấp tại thị trường Tp.HCM đang khá là dồi dào, tỷ lệ hấp thụ trong 2 quý đầu năm 2015 liên tục tăng mạnh. Dù thu nhập trung bình của người dân Việt Nam còn thấp, nhưng do nhận được sự hỗ trợ từ 30-70% giá trị của căn hộ khi người mua những căn từ 3 đến 5 tỷ đồng, thậm chí là lên đến cả triệu USD. Vì vậy, dù có giá không hề khiêm tốn, nhưng sản phẩm của phân khúc này vẫn nhận được sự quan tâm khá tốt từ phía khách hàng. Những dự án được bán với mức giá từ 1.300-2.000 USD/m2, thậm chí là gần 2.500 USD/m2 đều nhận được sự hấp thụ khá tốt trên thị trường.
Theo số liệu của CBRE Việt Nam, tổng số căn hộ cao cấp được mở bán trong quý II/2015 là 5.800 căn, đứng thứ 2 trong lịch sử tính theo quý. Các dự án này đa số thuộc khu đông Sài Gòn, như: Estella Heights, Tháp 2 của The Sun Avenue, The Krista, Vista Verde, Gateway Thảo Điền, khu căn hộ Sarimi thuộc KĐT Sala Thủ Thiêm và các tòa Landmark 1, 2, 4, 5 thuộc Vinhomes Central Park.
Cùng với đó, cũng có nhiều doanh nghiệp đang tiến vào cuộc đua thực hiện dự án quy mô lớn tại quận 4. Đơn cử: Dự án cao cấp The Goldview ở Bến Vân Đồn của TNR Holdings; Grand Riverside cũng ở Bến Vân Đồn của Công ty Hồng Hà và Công ty Tiến Phát cùng hợp tác đầu tư.
Ông Võ Minh Hoàng, Giám đốc công ty Đầu tư địa ốc Tiến Phát cho biết, sở dĩ có điều trên là do quận 4 đang được ví như một khu đảo của Tp.HCM, với giao thông thuận lợi, tiếp cận sông nước nhiều và giáp ranh với khu trung tâm thành phố. Chính vì thế, bên cạnh quận 1 và 3, quận 4 hiện trở thành tâm điểm của giới đầu tư BĐS hạng sang.
Sẽ không xảy ra tình trạng “bội cung"
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhận định: Tại thời điểm này, khách hàng quan tâm đến căn hộ phần lớn là những người có nhu cầu thực, còn các nhà đầu cơ rất ít. Hầu hết những nhà đầu tư thứ cấp đã không thể “sống” được nhờ vào việc mua đi, bán lại để hưởng tiền chênh, bởi, hiện khách hàng thông minh hơn, tỉnh táo hơn và có nhiều kênh thông tin để tìm hiểu về dự án.
Phó tổng giám đốc CapitaLand Việt Nam, ông Yip Hoong Mun nhận xét thêm, các chủ đầu tư hầu hết đều lý giải quyết định khởi động dự án vào thời điểm này là nhằm mục đích đón đầu thị trường bất động sản hồi phục trong 5 năm tới. Dù được cảnh báo là dư thừa nguồn cung, nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào phân khúc căn hộ cao cấp, bởi, yếu tố lợi nhuận vẫn lớn, nhu cầu mua để ở hoặc cho thuê lại cũng rất cao.
Thị trường nhà đất Việt Nam được đánh giá là kênh đầu tư khá hấp dẫn, nên đây được xem là thời điểm hợp lý nhất để đón dòng vốn nước ngoài cũng như khách hàng Việt kiều, ông Mun khẳng định.
CBRE Việt Nam cũng công bố kết quả nghiên cứu, trong 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ khách hàng mua căn hộ cao cấp với mục đích đầu tư chiếm đến 60% thị phần, còn 40% là mua để ở. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu của CBRE Việt Nam cho biết thêm, nguồn cung căn hộ cao cấp từ nay đến cuối năm sẽ khá lớn và có đến 80% khách hàng mua sản phẩm bằng tiền mặt, còn khách cần vay ngân hàng chỉ có 20%. Giá bán cũng được ghi nhận có sự tăng nhẹ theo xu hướng chung của thị trường, nhưng tỷ lệ tiêu thụ vẫn khá cao trong những tháng tới, vậy nên không nên lo ngại tình trạng “bội thực” nguồn cung sẽ xuất hiện như trước.
Sở dĩ thị trường có sự tiến bộ rõ nét là so việc thay đổi các chính sách của nhà nước, tạo nên một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn, cùng với đó là các quy định tích cực, hỗ trợ tài chính tốt từ phía ngân hàng. Ngoài ra, uy tín của chủ đầu tư cũng đã trở lại và phát huy tác dụng, bà Dung nhận định.