SearchNews

Tránh để chủ đầu tư tự phong trong phân hạng chung cư

15/02/2014 14:06

Từ ngày 15/2, Thông tư 31 của Bộ Xây dựng quy định về phân hạng nhà chung cư sẽ chính thức có hiệu lực. Theo Bộ Xây dựng, việc phân hạng nhà chung cư nhằm xác định giá trị của nhà chung cư khi thực hiện quản lý hoặc giao dịch trên thị trường.

Vào ở rồi mới xếp hạng

Thông tư 31 có nội dung quy định về việc phân hạng, tiêu chí đánh giá phân hạng, hồ sơ đề nghị công nhận hạng, thẩm quyền và trình tự, thủ tục công nhận hạng nhà chung cư thương mại. Việc phân hạng này nhằm mục đích chính là xác định giá trị của nhà chung cư khi thực hiện quản lý hay giao dịch trên thị trường. Thông tư này đặc biệt chỉ thực hiện đối với chung cư nào có đề nghị phân hạng. Cũng theo thông tư, các tiêu chí phân hạng nhà chung cư được xác định theo 4 nhóm: Quy hoạch kiến trúc; hệ thống, thiết bị kỹ thuật; dịch vụ, hạ tầng xã hội; chất lượng, quản lý, vận hành. Nhà chung cư được phân 3 hạng: A, B, C. Trong đó, hạng A và B phải đáp ứng tối thiểu 18 trong 20 tiêu chí.

phân hạng chung cư
Thông tư 31 nhằm hạn chế tình trạng chủ đầu tư tự phong hạng cho chung cư

Đại diện Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, việc xây dựng tiêu chí phân hạng là rất cần thiết. Điều này nhằm tránh việc chủ đầu tư tự phong cho sản phẩm của mình. Theo đại diện Bộ Xây dựng, hiện nay, nhiều DN, người mua, sàn giao dịch tự nhận là chung cư cao cấp, chung cư hạng A, đô thị xanh, khu đô thị sinh thái. Trong Luật Nhà ở 2014 đã quy định việc phân hạng hay công nhận chất lượng là trách nhiệm của cơ quan quản lý chứ không do DN quyết định như trước đây.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Nhà nước phải tham gia việc này như là trọng tài xác định dự án đó có đúng tiêu chuẩn quy định tên gọi đó hay không. Trên cơ sở đó, người mua và DN đánh giá với mức tiền bỏ ra thì có phù hợp với dự án đã mua không.

Không có nhiều ý nghĩa với người mua nhà

Lãnh đạo Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản còn cho biết thêm, Thông tư 31 quy định việc xếp hạng nhà chung cư sẽ không áp dụng với các dự án nhà ở đang xây dựng, mà chỉ áp dụng với các dự án nhà chung cư đã hoàn thành. Như vậy, người mua nhà chung cư hình thành trong tương lai sẽ không có thông tin về việc chung cư mình sẽ mua là hạng A, B hay C.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu Thông tư 31 “Nhà chung cư được phân thành nhiều hạng khác nhau để xác định giá trị của nhà chung cư khi thực hiện quản lý hoặc giao dịch trên thị trường” thực tế không có nhiều ý nghĩa. Anh Trần Nguyên, quận Hoàng Mai, Hà Nội, người đang tìm mua nhà chung cư cho rằng, hiện nay, người mua nhà chỉ quan tâm đến chất lượng xây dựng, uy tín chủ đầu tư nhưng rất khó tìm kiếm thông tin và cơ quan thẩm định. Việc đánh giá, phân hạng sau khi xây nhà xong là việc đã rồi. Điều này thực tế không giúp ích được người tìm hiểu thông tin để chọn lựa mua nhà.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho rằng, điều quan trọng nhất với người mua nhà chung cư là khi mua có thêm được nhiều thông tin về dự án nhà ở của mình ngoài những lời chủ đầu tư giới thiệu. Tuy vậy, Thông tư 31 không làm được điều này. Theo ông Châu, ai thẩm định được dự án nhà chung cư mà chủ đầu tư sắp bán là cao cấp, đẳng cấp, sang trọng. Nhiều trường hợp, khi hoàn thành rồi người mua nhà mới ngã ngửa vì dự án nhà cao cấp nhưng không có lối đi vào, chưa bảo đảm an ninh hay an toàn cháy nổ...

Vì vậy, ông Châu cho rằng, ngoài việc phân hạng chung cư sau khi hoàn thành, Bộ Xây dựng nên quy định cấm các chủ đầu tư khi quảng bá dự án gắn mác “cao cấp”, “đẳng cấp”, “sang trọng” vào sản phẩm của mình để bảo vệ người mua nhà.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu