Cụ thể, chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, nhờ các yếu tố như tính ổn định của hệ thống chính trị khá tốt, thu nhập tính trên đầu người liên tục được cải thiện, tính cạnh tranh của thị trường rất rộng và hấp dẫn đã giúp thị trường Việt Nam “lật đổ” một số cường quốc bán lẻ lớn trong khu vực châu Á để vươn lên trở thành thị trường phát triển bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu.
Báo cáo mới đây của công ty Cushman & Wakefield cũng nhận định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đạt gần 7% GDP chính là chất “xúc tác” cho các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới. Thêm vào đó là thị trường Việt Nam có một lực lượng khách hàng tiêu dùng nằm trong số trẻ nhất của các nước châu Á, đặc biệt tại nhiều thành phố lớn trong cả nước, đang là động lực cho ngành này phát triển mạnh trong tương lại không xa.
Việt Nam - Thị trường bán lẻ “nóng” nhất thế giới?
Trưởng Bộ phận Bán lẻ của Công ty TNHH Savills Việt Nam, ông Phan Văn Tý cho biết, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trong khu vực Châu Á đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Trong vòng 2-3 năm tới, Việt Nam sẽ chứng kiến sự “đổ bộ” ồ ạt của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu từ Mỹ và châu Âu. Điều này sẽ kéo theo một “cuộc chiến” tranh giành lợi thế về vị trí kinh doanh, kéo theo sự bùng nổ các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) bán lẻ.
Điển hình cho xu thế này đó là, một số trung tâm bán lẻ mới đã xuất hiện tại thị trường Tp.HCM như hệ thống trung tâm mua sắm Vincom Mega Center, Vinmart, SC VivoCity và sắp tới là đại siêu thị EAON thứ 2 của Nhật Bản tại Tp.HCM (quận Tân Phú), cung cấp hơn 200 nghìn m2 diện tích bán lẻ cho thị trường.
So với các thị trường khác trong khu vực, Tp.HCM vẫn còn khá nhỏ nhưng được xem là khu vực lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư bán lẻ và nhà bán lẻ nước ngoài cho dù khu vực ngoại ô đang trở nên ngày càng hấp dẫn hơn.
Hơn nữa, vài năm trở lại đây sức mua sắm ở thị trường Tp.HCM vẫn khá mạnh. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài dự đoán rằng tăng trưởng bán lẻ tại thị trường này sẽ tăng cao hơn khi kinh tế hồi phục. Xu hướng tiêu dùng hiện nay ở Việt Nam cho thấy có nhu cầu lớn đối với các thương hiệu cao cấp, các cửa hàng nhượng quyền quốc tế và hàng hóa nội địa chất lượng cao.
Mặt khác, nhu cầu về mặt bằng bán lẻ cao cấp tiếp tục tăng cao tại khu vực trung tâm thành phố. Trong 2016, dự kiến có khoảng 300.000 m2 nguồn cung bán lẻ mới được đưa vào thị trường. Từ năm 2016 trở đi sẽ là năm đáng chú ý đối với thị trường bán lẻ khi mà có đến hàng ngăm nghìn m2 nguồn cung mới có thể đi vào hoạt động.
Hiện tại, có 126 trung tâm bán lẻ trong thành phố với tổng diện tích khoảng 1.07 triệu m2. Quận 1 vẫn nơi là thị trường bán lẻ tập trung nhiều nhất, chiếm gần 17% tổng nguồn cung.
Nhưng xét đến tình trạng quỹ đất khan hiếm và giá đất cao, các dự báo cho thấy đa số nguồn cung tương lai tập trung chủ yếu tại khu vực nội thành và ngoại ô, ở phía nam và phía đông Tp.HCM, nơi nhiều cơ sở hạ tầng và dân cư đã được thành lập.