SearchNews

Vốn FDI vào bất động sản có xu hướng tăng dần

25/06/2018 08:05

Trong những năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI) vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng tăng dần, báo cáo tổng kết thị trường 5 tháng đầu năm 2018 của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho biết.

Tại Tp.HCM, vốn FDI vào bất động sản đạt 1,497 tỷ USD (53,3%) trong năm 2015. Sang năm 2016, nguồn vốn này sụt giảm chỉ đạt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 2017, vốn FDI lại tăng mạnh đạt mức 1,01 tỷ USD. Trong 5 tháng vừa qua, vốn FDI rót vào lĩnh vực địa ốc là 216,3 triệu USD.

Toàn Tp.HCM có 7.372 dự án FDI còn hiệu lực tính đến cuối năm 2017 với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 45 tỷ USD. Vốn FDI vào bất động sản chủ yếu đến từ Hàn quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc và Mỹ.

vốn FDI vào bất động sản
Vốn FDI vào bất động sản có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây.

Các công ty điển hình tại Tp.HCM trong việc thu hút vốn FDI gồm: Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng; Công ty Tiến Phước, Trần Thái hợp tác với Keppel Land (Singapore); Công ty Nam Long hợp tác với Hankyu Hanshin Toho Group và Nishi Nippon Railroad (Japan); Công ty An Gia hợp tác với Creed Group (Japan); Công ty Tiến Phát hợp tác với Sanyo Home (Japan); Công ty Phúc Khang hợp tác với Mitsubishi Corporation (Japan) và quỹ Genesis Global Capital (Singapore); Sơn Kim Land hợp tác với Hankyu Hanshin; Capitaland, VinaCapital, Lotte, Dragon Capital; CII hợp tác với Hongkong Land...

Hàng năm, nguồn kiều hối gửi về nước đều đạt trên dưới 10 tỷ USD. Trong đó, Tp.HCM chiếm khoảng 50% nguồn kiều hối với khoảng 21% đầu tư vào lĩnh vực nhà đất. Có 11 doanh nghiệp địa ốc lên sàn chứng khoán trong năm ngoái. Trong 5 tháng qua, đã có 4 doanh nghiệp lên sàn gồm Net Land, Vinhomes (Tập đoàn Vingroup), Đạt Phương và Văn Phú Invest. Từ nay tới cuối năm 2018, dự kiến sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán như Cenland, Hưng Thịnh Construction, Hải Phát, MBland,... Diễn biến này được đánh giá là hướng đi phù hợp, hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu cũng như tính minh bạch và giải trình; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng.

HoREA nhận định, vốn FDI là một trong những thước đo kết quả hội nhập của nền kinh tế nói chung và thị trường địa ốc nói riêng. Thông thường, lĩnh vực bất động sản đứng thứ 3 trong việc thu hút vốn FDI. Mặt khác, trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang dần hạn chế cho vay bất động sản, vốn FDI sẽ bổ sung thêm nguồn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp.

Theo HoREA, sở dĩ vốn FDI vào bất động sản tăng mạnh chủ yếu xuất phát từ 2 lý do chính như sau:

Một là, sự thay đổi của pháp luật, chính sách về đầu tư, nhà ở, kinh doanh bất động sản theo hướng tích cực. Hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã được phép đầu tư kinh doanh nhà đất tương tự giới đầu tư trong nước.

Hai là, nền kinh tế tăng trưởng vững chắc, chính trị ổn định, tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh (dự kiến chiếm 50% dân số trong một thập kỷ tới), nhiều doanh nghiệp Việt đã khẳng định được thương hiệu, uy tín của mình... tất cả những yếu tố này khiến thị trường bất động sản trở nên hấp dẫn và dễ tiếp cận hơn. 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu