Chiều qua, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Đỗ Hoàng Ân, đã chỉ đạo các ngành chức năng chủ động ra quy định về độ cao, khoảng lùi cho các nhà cao tầng, không đợi Bộ Xây dựng ra nghị định về kiến trúc đô thị.
"Có tình trạng cơ quan chức năng cấp phép 7-8 tầng, sau đó chủ công tình xin điều chỉnh tới 14-15 tầng mà vẫn được chấp thuận. Nhiều người thắc mắc xây dựng nhà cao tầng trong thành phố theo tiêu chí nào. Họ ví von muốn xây cao tầng thì xin phép thấp, muốn xây thấp thì xin cao, để cơ quan cấp phép điều chỉnh là vừa", Phó chủ tịch Đỗ Hoàng Ân bức xúc.
Theo ông Ân, đã đến lúc Hà Nội cần phải ra quy định chiều cao tối đa để chủ đầu tư không thể xin điều chỉnh giấy phép, cũng như đơn vị cấp phép có căn cứ để thực hiện. Đây là biện pháp hạn chế tình trạng chủ đầu tư "xin xỏ" để điều chỉnh giấy phép xây dựng. "Hà Nội không thể đợi Bộ Xây dựng ra nghị định, chúng ta phải chủ động ra quyết định về độ cao công trình của một số tuyến phố. UBND các quận thực hiện, Sở Quy hoạch kiến trúc hướng dẫn", ông Đỗ Hoàng Ân nói.
Chỉ đạo này được đưa ra khi nhiều cơ quan quản lý trật tự đô thị bức xúc về tình trạng thiếu thiết kế đô thị và quy hoạch 1/500 nên gây khó khăn cho công tác quản lý. Theo ông Lâm Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, phải lập và công khai quy hoạch chi tiết để người dân giám sát, cơ quan chính quyền có căn cứ để cấp phép và quản lý sau cấp phép.
Trước những bất cập về quy hoạch, ông Nguyễn Tuấn Khải, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, trả lời thẳng thắn, không thể có quy hoạch chi tiết trên toàn thành phố, hiện chỉ một số khu đô thị lớn mới có quy hoạch này. Luật Xây dựng ra đời song Bộ Xây dựng cũng chưa có nghị định hướng dẫn về vấn đề này nên Sở không thể đưa ra các quy định.
Theo ông Khải, hiện quy hoạch 1/2.000 và 1/500 kèm theo điều lệ quản lý. Ngoài ra, quy hoạch quận huyện đều có quy định trong mỗi ô đất có những chỉ tiêu tầng cao, mật độ, hệ số. Do vậy, các cơ quan chức năng được tùy theo điều kiện để cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Sở sẽ ra quy định riêng về kiến trúc tại những tuyến đường mới mở.
Xây dựng sai phép do xử lý không cương quyết
Phó chủ tịch thành phố Đỗ Hoàng Ân cho rằng những vụ xây dựng trái phép, sai phép thời gian qua là hậu quả của quá trình quản lý không nghiêm, khiến chủ đầu tư cố tình vi phạm. "Công trình xây dựng không thể ngày một ngày hai mà không biết. Chúng ta nể nang, né tránh, đùn đẩy nên tình trạng xử lý kéo dài. Phải nghiêm túc xem xét, thiết lập lại trật tự xây dựng đô thị", ông Ân nhận xét.
Theo ông Ân, trong khi thiếu người quản lý trật tự xây dựng ở các phường, lực lượng thanh tra xây dựng phải trực tiếp xuống cơ sở, không để tình trạng cấp trên đùn đẩy cho cấp dưới, còn cấp dưới lại kêu thiếu người.
Ông Lâm Anh Tuấn, Phó chủ tịch quận Hai Bà Trưng, cho rằng cần tăng trách nhiệm cho thanh tra xây dựng từ cấp phường. Thanh tra có quyền ra quyết định xử lý tại chỗ chứ không thể báo cáo lại UBND quận.
Ông Lâm Quốc Hùng, Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm, cũng cho rằng, cấp phường vẫn chịu trách nhiệm chính xử lý công trình sai phép, không được đùn đẩy cho quận. Tuy nhiên, chánh thanh tra xây dựng quận có thể ra quyết định cưỡng chế thay vì lãnh đạo quận như hiện nay.
Chiều 30/1, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất 6 biện pháp cụ thể trong lĩnh vực quản lý và cấp phép xây dựng. Trong đó, tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở như khi phát hiện công trình sai phạm, UBND phường, xã chỉ lập 2 biên bản. Lần thứ nhất cảnh cáo, lần thứ 2 yêu cầu khắc phục có thời hạn. Quá thời hạn mà chủ đầu tư không chấp hành, chính quyền ra quyết định cưỡng chế hoặc cắt điện, nước của các hộ vi phạm. Bên cạnh đó, tập trung triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị, khẩn trương công bố, cắm mốc giới theo các đề án quy hoạch đã được duyệt để người dân biết và kiểm tra.
(Theo VnExpress)