Hai tháng qua, Hội Xây dựng Hà Nội nhiều lần xin được cung cấp, sao chụp một số bản vẽ quy hoạch thành phố, quận huyện song Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đều từ chối. Lý do mà Giám đốc Sở đưa ra là số tài liệu rất lớn.
Theo công văn của Hội Xây dựng gửi Thủ tướng, giữa tháng 8, Hội đã yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc cung cấp một số bản vẽ, sao chụp các đồ án Quy hoạch chung của Hà Nội phê duyệt năm 1998, quy hoạch chi tiết một số khu vực như Kim Liên, Láng Hạ, Thanh Xuân, Hồ Tây.
Ngoài ra, quy hoạch các quận huyện phần sử dụng đất, giao thông, bao gồm cả quyết định phê duyệt, điều lệ quản lý, thuyết minh và các bản vẽ cũng cần được cung cấp.
Theo Hội Xây dựng, các quy hoạch nhận được sẽ được cung cấp cho các hội viên và người dân khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, các công văn gửi đến Sở Quy hoạch Kiến trúc đều không có hồi âm. Theo ông Trịnh Long, Tổng thư ký Hội Xây dựng, việc im lặng của Sở Quy hoạch Kiến trúc đã gây khó khăn cho hoạt động của Hội. "Chúng tôi cho rằng quy hoạch đã được phê duyệt cần công khai chứ không nên độc quyền của cơ quan quản lý quy hoạch", ông Long nói.
Bức xúc trước sự việc, Hội Xây dựng có công văn báo cáo tới Thủ tướng và lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết, số tài liệu mà Hội Xây dựng yêu cầu cung cấp quá lớn, lên đến hàng chục kg. Trước đó, còn rất nhiều cơ quan khác xin cung cấp nên không thể đưa ra khối lượng tài liệu lớn như vậy.
Theo ông Tuấn, Sở chỉ có thể cung cấp những bản vẽ quy hoạch mà không thể đưa ra những thuyết minh hay quyết định phê duyệt. "Việc công khai quy hoạch chỉ là giới thiệu những bản vẽ, không thể đưa toàn bộ tài liệu liên quan về quy hoạch đó", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã báo cáo UBND thành phố, kiến nghị có một quy chế cung cấp tài liệu quy hoạch, quy định rõ loại giấy tờ, bản vẽ được công khai tới người dân.
Theo Nghị định 92/2006, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm công khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước, các vùng, các tỉnh, huyện và các ngành, lĩnh vực để mọi công dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nghiên cứu, khai thác.
Các khâu của công tác quy hoạch từ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, công bố quy hoạch, thực hiện quy hoạch đều phải kiểm tra, giám sát theo các quy định của pháp luật hiện hành. Các cơ quan nhà nước trong phạm vi, nhiệm vụ của mình có chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra về công tác quy hoạch. |
(Theo VnExpress)