Tuần qua, UBND thành phố và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức trưng bày các phương án tham dự cuộc thi "Ý tưởng và giải pháp quy hoạch kiến trúc cửa ô nam Hà Nội". 45 đề án là những sự nỗ lực lớn, nhưng tính thực tế vẫn còn hạn chế.
Được công bố lần đầu từ năm ngoái, nhưng mãi đến nay, cuộc thi mới có thể tổng kết sau nhiều lần sửa đi sửa lại. Mục đích của cuộc thi là lựa chọn ra phương án tối ưu về ý tưởng và giải pháp quy hoạch, kiến trúc cho cửa ô phía nam của thành phố. Đây cũng sẽ là cơ sở để triển khai thực hiện dự án cửa ô phía nam của UBND thành phố, hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Cửa ngõ phía Nam Hà Nội là khu đất rộng 80 ha thuộc xã Tứ Hiệp huyện Thanh Trì, phía đông giáp đường vành đai cao tốc dự kiến theo quy hoạch, phía tây giáp quốc lộ 1B (đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện nay) và khu đô thị mới Pháp Vân, phía bắc giáp sông Tô Lịch và công viên Yên Sở. Đoạn đường 1B tiếp giáp khu đất sẽ trở thành đường nội thị khi xây dựng xong đường vành đai dự kiến theo quy hoạch giáp phía đông nam khu đất. Hiện đây là khu trồng lúa, có địa hình khá bằng phẳng.
Về quy hoạch, nơi đây phải là một không gian kiến trúc phù hợp với đặc điểm, vị trí khu đất xây dựng và tổng thể khu vực xung quanh trong quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2020. Công trình còn phải thuận lợi cho việc phân đợt xây dựng, từng bước thực hiện dự án. Về kiến trúc, cửa ô phải là một công trình hoặc cụm công trình, mang tính độc đáo, hiện đại và nhân văn, tạo điểm nhấn đô thị, một biểu tượng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và có tính khả thi. Hạ tầng giao thông ở đây phải tiện lợi.
45 phương án được trưng bày đều thể hiện được những ý tưởng khá độc đáo, cố gắng tập trung vào yếu tố lịch sử. Nhiều phương án nhấn mạnh những giá trị truyền thống như NDZ, chủ động khắc họa lịch sử Hà Nội, thể hiện ngay từ cổng chào với biểu tượng hoa sen, đầu rồng, hay như phương án "Công viên lịch sử Thăng Long" lấy hình tượng rồng cuộn làm chủ đạo. "Huyền thoại xưa và nay" cũng tập trung ý tưởng lịch sử. Thế nhưng, những phương án mang tính hiện đại cũng không ít, chẳng hạn như "Thăng Long - Thiên nhiên kỷ mới". Đây là phương án hoàn toàn mang dáng dấp mới, với đại siêu thị, khu vui chơi giải trí, kiến trúc hiện đại, sử dụng vật liệu nhẹ, với tấm ốp kim loại và kính làm chủ đạo. Chất liệu kính cũng được dùng trong "Hà Nội vùng đứng lên". Ý tưởng về những đô thị mới chiếm đa số, nhưng cũng có vài phương án chỉ đơn thuần là không gian thư giãn, khoảng xanh, công viên như GAU 007 hay khu tượng đài, bảo tàng như "Những ánh sao khuê".
Thế nhưng, cũng như hầu hết các cuộc thi về ý tưởng kiến trúc, tính thực tiễn của cuộc thi là điều đáng bàn. Trong số các đề án, có rất nhiều khá rườm rà, không thực tế, không phản ánh được tinh thần của dân tộc Việt Nam. Có rất nhiều phương án thiết kế cầu kỳ như "Ngàn cánh Hoa Đào", "Sân chơi chung nối Hà Nội với miền Nam, cả nước, cả nước với Hà Nội"...
KTS Nguyễn Quốc Thông, Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng, thành viên Ban giám khảo cho rằng cuộc thi đã đạt được mục tiêu về ý tưởng cho một cửa ngõ quan trọng phía nam Hà Nội. Tính thực tiễn đã cao hơn so với các cuộc thi khác. Nhưng để áp dụng vào thực tế cho khu đất rộng tới 80 ha, còn phải thay đổi rất nhiều, về kiến trúc, về quy hoạch, cần cả thời gian và tiền bạc. Tiêu chuẩn cao nhất của công trình là phục vụ cuộc sống và có đủ các khu chức năng vẫn chưa thực sự được chú ý.
Còn ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam thì nhận định, những bài dự thi đã thể hiện nỗ lực lớn. Thế nhưng rất nhiều trong số đó không tránh khỏi sự lúng túng. Với tư cách là một người làm về lịch sử, ông Quốc còn nói thêm: "Biểu tượng cửa ô gắn liền với các yếu tố lịch sử là rất tốt, nhưng quan trọng nhất, những giải pháp phải thực sự phục vụ người dân, phải mang tính thực tiễn cao. Điều này đã không được chú trọng nhiều trong các giải pháp thiết kế".
Sau nhiều cân nhắc, Ban giám khảo cuộc thi đã quyết định chọn ra 3 phương án để trao giải, gồm 2 giải ba và 1 giải nhì. Phương án giải nhì của nhóm tác giả đại học Kiến trúc HN chính là khu công viên văn hóa, với trọng tâm là biểu tượng tháp cao hình ngọn lửa, thể hiện sự vươn lên của Hà Nội. Đây là một phương án có sự kết hợp khá tốt yếu tố lịch sử và hiện đại, đồng thời tính khả thi cao nhất. Tuy nhiên, theo các thành viên ban giám khảo, đây chưa phải là phương án sẽ được thực hiện.
Linh Hương