SearchNews

Mở đường kết hợp để giảm phí GPMB

22/02/2007 08:46

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đặng Hùng Võ, hoàn toàn có thể tiết kiệm được chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án hạ tầng, mà một trong số đó là mở đường kết hợp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đặng Hùng Võ, hoàn toàn có thể tiết kiệm được chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án hạ tầng, mà một trong số đó là mở đường kết hợp.

Năm 2007 sẽ có rất nhiều tuyến đường được mở trong nội thành Hà Nội. Và cũng giống như cách làm từ trước đến nay đối với các tuyến Kim Mã, Chùa Bộc, Thái Hà, Cầu Giấy..., Nhà nước sẽ thu hồi đất của tất cả các nhà mặt đường để lấy đủ độ rộng con đường theo thiết kế mới. Ngân sách sẽ chi trả toàn bộ cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) này. Nếu lấy đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa làm chuẩn, mỗi mét vuông đất có giá đền bù khoảng 14 triệu đồng thì để nâng diện tích đất giao thông lên như kế hoạch, Hà Nội cần đầu tư khoảng 210.000 tỷ đồng (khoảng 14 tỷ USD) cho việc giải phóng mặt bằng.

Giải pháp mới

Theo Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, thay vì chỉ thu hồi đất đủ độ rộng của con đường theo thiết kế thì nhà quản lý nên quyết định lấy sâu vào hai bên đường với độ rộng nhất định đủ để quy hoạch toàn bộ khu đất, lập dự án tái thiết xây dựng các khu chung cư trên phần đất lấy sâu đó với hệ thống các đường nội bộ. Các căn hộ chung cư này chính là chỗ dành cho việc tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Phần còn lại có thể bán và cho thuê. Quy trình này thực chất cũng không phải mới mà đã được triển khai tại tất cả các thành phố của Trung Quốc ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Với cách làm dự án mà chúng ta đang áp dụng hiện nay, tiền giải phóng mặt bằng thông thường chiếm đến 80 % tổng đầu tư dự án. Ví dụ, tổng đầu tư dự án mở 1km đường Kim Mã năm 1999 là 75 tỷ đồng, thì tiền đền bù lên đến 60 tỷ đồng. Gần đây nhất, đường vành đai 1, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa có tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng, thì phải dùng hơn 650 tỷ đồng cho việc đền bù, GPMB. Toàn bộ số tiền này Nhà nước phải bỏ ra. Nhưng vấn đề ở chỗ, cách làm này không chỉ tạo gánh nặng cho ngân sách mà còn gây ra những bất bình đẳng trong xã hội. Rất nhiều người dân đang ở mặt phố cũ bị chuyển đi, còn một số người khác đang ở trong ngõ lại được hưởng lợi nhờ chuyển ra mặt đường. "Nhiều người nói rằng phần địa tô chênh lệch do việc ra mặt đường ấy Nhà nước sẽ thu khi có sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng như vậy rất khó tính toán. Thay vào đó, chúng ta thu hồi rộng về hai bên và Nhà nước giữ quyền khai thác phần đất dư đó vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo công bằng xã hội", Thứ trưởng Võ nói.

Rất nhiều các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong những trường hợp ấy, Nhà nước hoàn toàn có thể kêu gọi ngân hàng và các công ty xây dựng (Nhà nước và tư nhân), thậm chí cả đối tác nước ngoài, tham gia góp vốn đầu tư những dự án đô thị hai bên tuyến đường.

Không thực hiện được đường kết hợp tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa

Năm 2003, không ít người đã ủng hộ kế hoạch mở đường kết hợp xây dựng tuyến phố Kim Liên - Ô Chợ Dừa theo phương thức thu hồi đất rộng về hai bên so với thiết kế mặt đường, phần đất hai bên sẽ được đem đấu giá để xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, nhà chung cư theo quy hoạch mới. Nhưng cuối cùng tuyến đường này được khởi công hồi tháng 10/2005 như đã biết với việc chỉ mở đường (50 m). Kế hoạch xây dựng tuyến phố đã phải phá sản. Lý do được giải thích khi đó là vốn đầu tư ban đầu quá lớn, vượt quá khả năng cân đối của thành phố. Nhưng có thể dễ dàng làm một phép tính: tiền đền bù bình quân đã thực hiện là 14 triệu đồng/m2, chi phí giải phóng mặt bằng hết 600 tỷ đồng. Nếu lấy rộng về 2 bên (mỗi bên thêm 50m) thì tiền đền bù bình quân sẽ giảm xuống còn 10 triệu đồng/m2 (do có nhiều hộ ở càng sâu trong ngõ, giá đền bù thấp hơn) và tiền GPMB sẽ khoảng hơn 1.500 tỷ đồng; nhưng bù lại, 50m rộng về mỗi bên ấy được đem đấu giá thu bình quân 40 triệu đồng/m2 thì sẽ thấy rằng thiếu vốn hoặc đầu tư ban đầu lớn chỉ là ngụy biện".

(Theo Thanh Niên)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu