Trong năm 2006, đô thị Việt Nam đã có những chuyển động mang tính bản lề, thực sự đang là hình thái cư trú "nóng" nhất, thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong xã hội hiện nay. Dưới đây là những nét tiêu biểu của đô thị Việt Nam trong năm qua.
1. Luật kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua
Đây là động thái tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư, mua bán, thuê, cho thuê và môi giới bất động sản. Một số điểm đặc biệt là việc chuyển nhượng dự án bất động sản có thể được thực hiện ngay sau khi chủ đầu tư đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của toàn bộ dự án. Mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp và hợp tác xã kinh doanh bất động sản là 6 và 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chứng chỉ môi giới, định giá bất động sản sẽ không cấp cho công chức Nhà nước.
2. Đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ bằng việc cho ghi nợ nghĩa vụ tài chính.
Đó là chủ trương của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình lên Chính phủ. Chủ trương này sẽ tháo gỡ cho khó khăn do quy định các giao dịch nhà đất chỉ được thực hiện khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), có hiệu lực từ ngày 1/1, gây ra do hiện tại việc cấp sổ đỏ ở các đô thị mới đạt 45% số lượng.
3. Công bố bảng giá đất tại nhiều đô thị
Để ổn định thị trường bất động sản, cuối năm 2006, cùng với Hà Nội và TP HCM, nhiều tỉnh thành đã công bố khung giá đất mới. Theo đó, giá đất cao nhất thuộc về khu vực quanh hồ Gươm (Hà Nội) với mức giá 54 triệu đồng/m2 và khu vực đường Đông Khởi, quận 1 (TP HCM), với giá 43 triệu đồng/m2.
4. Hà Nội lập kỷ lục về đồ án quy hoạch được duyệt
Năm 2006, Hà Nội có 33 đồ án quy hoạch được duyệt. Trong đó có 22 quy hoạch chi tiết, 4 chỉ giới đường đỏ, 6 quy hoạch điều chỉnh và 1 quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt.
5. Xử lý nhà, đất công quy mô lớn
Vụ việc xin hóa giá nhà công của Cựu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Hoàng Văn Nghiên, với giá rẻ đã khởi đầu cho việc tổng kiểm tra quỹ nhà, đất công trên toàn thành phố và gây tác động đến các đô thị lớn khác. Dự kiến công việc này sẽ được hoàn thành và báo cáo vào ngày 30/4 tới.
6. Nâng cấp nhiều thành phố mới
5 thị xã đã được nâng cấp lên thành phố là Bắc Ninh, Tam Kỳ, Hòa Bình, Vĩnh Yên và Hà Đông, góp vào danh sách 34 thành phố trực thuộc tỉnh. Đến ngày 31/12/2006, toàn quốc đã có 39 thành phố.
7. Địa ốc lên sàn giao dịch
Công ty CP phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà và Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức trở thành những công ty đầu tiên hoạt động trong kinh doanh bất động sản niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán. Việc niêm yết mang tính thanh khoản cao, thông tin của nhà đầu tư được minh bạch. Việc lên sàn cũng cho phép các công ty huy động vốn từ các cổ đông để phát triển dự án thay vì buộc phải vay ngân hàng như trước đây.
8. Thêm hai quỹ đầu tư bất động sản lớn
Năm 2006 đã có thêm 2 quỹ đầu tư chuyên về bất động sản là Vinaland (250 triệu USD) và Indochina Land Holdings II (265 triệu USD), đánh dấu bước tiến mới của dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường bất động sản. Đây cũng là cách đa dạng hóa môi trường đầu tư.
9. TP HCM khởi động lại những dự án đồ sộ
Nét nổi bật là những dự án bị đóng băng trong 10 năm qua được tái khởi động với việc các nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần của các đối tác trong nước như dự án Kumho Asiana Plaza với tổng vốn đầu tư 223 triệu USD xây dựng khu khách sạn 5 sao, căn hộ và văn phòng cho thuê loại A trên đường Lê Duẩn. Dự án tổ hợp cao ốc Saigon Happiness Square khởi động lại thành 100% vốn Đài Loan với số vốn 150 triệu USD.
10. Hà Nội đón đợi những công trình mới
Hà Nội khánh thành một số công trình trọng điểm như Trung tâm Hội nghị quốc gia, cầu vượt Ngã Tư Sở... Kết thúc năm 2006, một loạt các công trình như nút giao thông Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, tuyến Kim Liên - Ô chợ Dừa, cầu Thanh Trì đang được gấp rút hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Hệ thống dự án trọng điểm về giao thông này sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo và năng lực của giao thông Hà Nội.
(Theo Người Đô Thị)