Đồ án quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đang được Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn (Bộ Xây dựng) triển khai. Mục đích của đồ án là đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của thủ đô và các tỉnh trong vùng.
Theo PGS TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn, quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội còn nhằm khai thác, phát huy những lợi thế, nâng cao vai trò, vị thế phát triển của vùng, tạo động lực cho phát triển vùng giai đoạn đến năm 2010.
- Đồ án quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội và đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong vùng đang được triển khai như thế nào?
- Đồ án quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội do Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn thực hiện với sự hợp tác giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài. Đồ án này được lập trên phạm vi 8 tỉnh, thành phố, bao gồm Hà Nội (trung tâm vùng), Hà Tây, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam và Hòa Bình. Quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của thủ đô và các tỉnh trong vùng, khai thác, phát huy những lợi thế, nâng cao vai trò, vị thế phát triển của vùng. Hà Nội là địa bàn chủ yếu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng, hiện là một vùng kinh tế quan trọng của quốc gia.
- Đồ án đã đề ra những tiêu chí nào đề vùng thủ đô Hà Nội phát triển bền vững?
- Có rất nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển vùng, như những thách thức trong việc duy trì sinh thái nông nghiệp của vùng châu thổ sông Hồng, phát triển vùng nông thôn, giải quyết lao động và việc làm cho dân cư nông thôn khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng và đô thị hóa nông thôn; liên kết, tương hỗ và quản lý, phát triển giữa Hà Nội và các tỉnh trong vùng, giám sức ép vào đô thị trung tâm...
Để phát triển bền vững, vùng thủ đô Hà Nội cần thực hiện quản lý tăng trưởng và phát triển theo nguyên tắc lồng ghép và tuân thủ quy hoạch. Gắn quy hoạch phát triển vùng với bảo vệ môi trường bằng cách xác định rõ các tiêu chí môi trường cho các đô thị trong vùng; quản lý môi trường vùng một cách toàn diện và thống nhất, gắn với các lưu vực sống trong vùng; ưu đãi đầu tư đối với các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp ít gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở công nghiệp đầu tư vào các KCN bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; chấm dứt tình trạng xây dựng các khu công nghiệp, các nhà máy dọc theo quốc lộ lớn. Các ngành công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường lớn cần được bố trí xa khu dân cư, tránh tập trung công nghiệp vào các đô thị, tiến tới hình thành các khu công nghiệp sinh thái…
- Lộ trình thực hiện đề án quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội sẽ được tiến hành như thế nào?
- Vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch là hai phạm trù khác nhau. Sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch thuộc chính quyền các cấp. Ở Việt Nam, không có chính quyền cấp vùng như một số nước, đồ án kiến nghị mô hình trước mắt, ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô dưới sự điều hành của Phó thủ tướng có chức năng chủ yếu là xây dựng khung thể chế cho một cơ quan chỉ đạo thực sự của vùng thủ đô Hà Nội và điều hành một số chương trình, dự án đầu tư mang tính chất vùng, quốc gia. Từ đó tạo động lực cho phát triển vùng giai đoạn đến năm 2010.
Ban chỉ đạo cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu việc mở rộng không gian hành chính của Hà Nội. Sau đó sẽ thành lập một ủy ban điều phối quản lý và xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội thực hiện một số chức năng như: quản lý quy hoạch xây dựng vùng, thực hiện những chương trình, dự án đầu tư cấp vùng, quốc gia và liên quan giữa các tỉnh, thành phố, hỗ trợ, tìm kiếm nguồn vốn và phân bổ nguồn vốn thích hợp các tỉnh, thành phố, các đô thị trong vùng; xây dựng các chiến lược phát triển các ngành kinh tế chủ yếu, các chính sách, cơ chế đột phá và thích hợp nhằm giải quyết lợi ích hài hòa giữa các tỉnh, thành trong vùng.
(Theo KT&ĐT)