SearchNews

Quy định về việc hình thành lối đi qua bất động sản liền kề?

24/09/2018 08:13

Hỏi: Tôi không rõ các quy định hiện hành về lối đi qua bất động sản liền kề. Rất mong được luật sư giải đáp giúp vấn đề này. Xin cảm ơn!

lối đi qua bất động sản liền kề
 Điều 275 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cụ thể về lối đi qua bất động sản liền kề. (Ảnh minh họa)

Trả lời:

Lối đi qua bất động sản liền kề được quy định tại Điều 275, Bộ luật Dân sự năm 2005 như sau:

"1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù."

Căn cứ theo quy định nêu trên, bạn hoàn toàn có quyền được thỏa thuận về lối đi qua bất động sản liền kề. Các bên sẽ tự thỏa thuận về chiều cao, chiều rộng, chiều dài và vị trí của lối đi sao cho đảm bảo thuận tiện đi lại, ít gây phiền hà cho hai bên.

Mặt khác, bạn có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết về việc hình thành lối đi qua bất động sản liền kề nếu hai bên không tự thỏa thuận được.

Theo quy định tại Điều 203, Khoản 1 và Khoản 2 của Luật Đất đai 2013: "Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự".

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu