SearchNews

Thu hồi đất nông nghiệp, bồi thường như thế nào?

06/09/2021 14:07

Đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chính của người nông dân. Do đó, khi thu hồi đất nông nghiệp, Nhà nước sẽ lên phương án bồi thường, hỗ trợ phù hợp để người dân có thể tiếp tục lao động sản xuất và ổn định đời sống.

Vậy đất nông nghiệp gồm những loại nào? Quy định về bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp ra sao? Cách tính giá đền bù đất nông nghiệp như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc này.

1. Đất nông nghiệp là gì?

Đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chủ yếu, là tài liệu lao động, đối tượng lao động đặc biệt không thể thay thế của ngành nông - lâm nghiệp.

Hiểu một cách đơn giản, đất nông nghiệp là loại đất mà Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, trồng rừng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...).

Đất nông nghiệp gồm những loại nào?

Điều 10, Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ, căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được chia thành 3 nhóm: Nhóm đất nông nghiệp; nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng.

Trong đó, nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất nông nghiệp sau:

- Đất trồng cây lâu năm.

- Đất trồng cây hàng năm (gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác).

- Đất rừng sản xuất.

- Đất rừng đặc dụng.

- Đất rừng phòng hộ.

- Đất nuôi trồng thủy sản.

- Đất làm muối.

- Đất nông nghiệp khác gồm đất ươm tạo cây giống, con giống, đất trồng hoa, cây cảnh; đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, gồm cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép.

hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng nhìn từ trên cao minh họa cho đất nông nghiệp
 Đất nông nghiệp là loại đất mà Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa

2. Các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp

Theo quy định hiện hành, thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.

Khoản 1, Điều 15, Luật Đất đai năm 2013 quy định, Nhà nước được thu hồi đất trong các trường hợp sau:

- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Nhà nước thu hồi đất vì mục đích Quốc phòng an ninh trong các trường hợp:

+ Làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc;

+ Xây dựng căn cứ quân sự; xây dựng công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh;

+ Xây dựng ga, cảng quân sự;

+ Xây dựng công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh;

+ Xây dựng kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân;

+ Làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí;

+ Xây dựng cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân;

+ Xây dựng nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân;

+ Xây dựng cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp:

+ Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất;

+ Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất;

+ Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất;

- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai

+ Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;

+ Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;

+ Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;

+ Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;

+ Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;

+ Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;

+ Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;

+ Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;

+ Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người

+ Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;

+ Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;

+ Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn;

+ Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người;

+ Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;

+ Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất.

hình ảnh đất nông nghiệp ven thành phố, đô thị
Người có đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với đất thu hồi. Ảnh minh họa

>>> Xem thêm:

3. Điều kiện bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp là gì?

Điều 75, Luật Đất đai năm 2013 quy định, khi Nhà nước thu hồi đất thì các đối tượng sau sẽ được bồi thường khi có đủ các điều kiện theo từng đối tượng cụ thể.

Đối với cá nhân, hộ gia đình

- Đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm;

- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hoặc có đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ mà chưa được cấp, ngoại trừ các trường hợp sau:

+ Đất nông nghiệp sử dụng trước ngày 01/07/2004 mà người sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có sổ đỏ hoặc không đủ điều kiện được cấp sổ đỏ.

Đây là trường hợp không được bồi thường theo quy định trên mà được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp.

+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có sổ đỏ hoặc có đủ điều kiện được cấp sổ và chưa được cấp cũng được bồi thường.

Tổ chức được Nhà nước giao đất

- Được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

- Nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, có sổ đỏ hoặc đủ điều kiện cấp sổ đỏ mà chưa được cấp.

Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng

- Thuộc đối tượng không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê.

- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Có đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ theo quy định của Luật Đất đai mà chưa được cấp.

Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao

Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước bồi thường khi được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và có sổ đỏ hoặc đủ điều kiện cấp sổ đỏ mà chưa được cấp.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài

- Được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

- Có sổ đỏ hoặc có đủ điều kiện được cấp sổ theo quy định của Luật Đất đai mà chưa được cấp.

Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được bồi thường trong trường hợp sau:

- Được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê.

Cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, có sổ đỏ hoặc đủ điều kiện cấp sổ đỏ mà chưa được cấp.

4. Quy định về bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp

Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp như sau:

Hình thức đền bù khi thu hồi đất nông nghiệp

Điều 74, Luật Đất đai năm 2013 quy định, người dân khi có đất bị thu hồi có đủ điều kiện được đền bù theo quy định thì sẽ được đền bù theo 2 hình thức sau:

  • Đền bù bằng đất: Khi thu hồi đất nông nghiệp, Nhà nước đền bù bằng đất có cùng mục đích sử dụng với đất thu hồi. Theo đó, loại đất bị thu hồi là đất nông nghiệp thì sẽ được đền bù bằng một diện tích đất nông nghiệp tương đương phù hợp.

  • Đền bù bằng tiền: Nếu không có đất để đền bù thì người dân sẽ được bồi thường một khoản tiền bằng giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi. Đối với trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới, nếu có chênh lệch về giá trị thì phải thanh toán bằng tiền đối với phần chênh lệch đó.

Hình thức hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp

Bên cạnh việc đền bù về đất, về tiền khi bị thu hồi đất nông nghiệp, người sử dụng đất còn được xem xét nhận các hỗ trợ khác như sau:

  • Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất

Khoản 5, Điều 4, Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định cụ thể về khoản hỗ trợ này. Mục đích là để giúp các đối tượng đang có thu nhập dựa trên việc sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất có thể phần nào ổn định đời sống, có thể tiếp tục lao động sản xuất nông nghiệp trên phần đất được đền bù trong trường hợp được bồi thường bằng đất.

  • Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm

Cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất bị thu hồi không có điều kiện tiếp tục sản xuất, thu nhập bị suy giảm có thể được xem xét hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để quy định mức hỗ trợ cụ thể.

Địa phương lập, phê duyệt đồng thời phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. 

  • Hỗ trợ khác

Theo quy định hiện hành, các khoản hỗ trợ khác sẽ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định dựa trên tình hình thực tế của địa phương; đảm bảo công bằng với người có đất bị thu hồi. Với cá nhân, hộ gia đình đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường thì UBND cấp tỉnh xem xét hỗ trợ phù hợp với điều kiện của địa phương.

hình ảnh mô hình ngôi nhà, búa pháp luật đặt trên cuốn sách dày màu nâu, gáy in chữ law
Theo Thông tư 09/2021, một số loại đất nông nghiệp không có giấy tờ vẫn được tính hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Ảnh minh họa

5. Cách tính giá bồi thường đất nông nghiệp

Các khoản đền bù, bồi thường khu thu hồi đất nông nghiệp được tính như sau:

Giá bồi thường với đất thu hồi

Đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không thể bồi thường lại bằng một diện tích đất nông nghiệp khác cho người dân thì sẽ thực hiện bồi thường bằng tiền.

Giá đất bồi thường sẽ được xác định dựa trên bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành. Việc xác định giá đất cụ thể được dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường, giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai để định giá đất bồi thường phù hợp nhất.

Theo quy định, đất được đền bù là đất trong hạn mức cấp đất nông nghiệp ở địa phương. Phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức không được đền bù về đất nhưng được đền bù chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Tiền đền bù đất = Diện tích đất bị thu hồi (m2) x giá đền bù (VNĐ/m2)

Trong đó, giá đất = giá đất ghi trong bảng giá đất x hệ số điều chỉnh đất nông nghiệp qua các năm x hệ số điều chỉnh khác (nếu có).

Mức giá hỗ trợ đối với đất nông nghiệp

- Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất: Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu sẽ được tính bằng tiền tương đương 30kg gạo trong một tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương, cụ thể:

+ Thu hồi từ 30-70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng sẽ được hỗ trợ tối đa:

  •  06 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở.

  •  12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở.

  •  24 tháng nếu phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế  xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn.

+ Thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng sẽ được hỗ trợ:

  •  12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở.

  •  24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở.

  •  36 tháng nếu phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn.

+ Tiền hỗ trợ ổn định sản xuất: Hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền với mức cao nhất bằng 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 3 năm liền kề trước đó.

Mặt khác, cá nhân, hộ gia đình được bồi thường bằng đất nông nghiệp được hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp.

- Tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm đối với cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp: 

Tiền hỗ trợ  =  Diện tích đất được bồi thường (m2) x  Giá đất nông nghiệp trong bảng giá đất x Hệ số bồi thường do địa phương quy định.

Lưu ý, địa phương quy định giá đất nông nghiệp, hệ số bồi thường tối đa là không quá 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi nằm trong hạn mức giao đất ở địa phương.

6. Đất nông nghiệp không có giấy tờ vẫn được hỗ trợ khi thu hồi đất

Theo Thông tư 09/2021 có hiệu lực từ ngày 01/09/2021, các loại đất nông nghiệp không có giấy tờ vẫn được tính hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất.

Diện tích đất nông nghiệp thu hồi để tính hỗ trợ ổn định đời sống quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 19, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP được xác định theo từng quyết định thu hồi đất của UBND cấp có thẩm quyền, không cộng dồn diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi của quyết định thu hồi đất trước đó.

Diện tích đất nông nghiệp được hỗ trợ là diện tích đất nông nghiệp do cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng trong phạm vi thị trấn, phường, xã nơi có đất thu hồi tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.

Cụ thể, đất nông nghiệp được hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất gồm:

- Đất nông nghiệp có nguồn gốc được Nhà nước giao cho cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi thực hiện Nghị định số 64/CP ngày 27/09/1993 của Chính phủ, Nghị định số 85/1999/NĐ-CP ngày 28/08/1999 của Chính phủ, Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành luật Đất đai.

- Đất nông nghiệp do cá nhân, hộ gia đình thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai đang sử dụng do nhận thừa kế, nhận chuyển nhượng, được tặng cho theo quy định của pháp luật, được UBND cấp xã nơi có đất thu hồi xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó.

- Đất nông nghiệp do cá nhân, hộ gia đình thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai đang sử dụng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, đủ điều kiện được bồi thường về đất, được UBND cấp xã nơi có đất thu hồi xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó.

- Đất nông nghiệp do cá nhân, hộ gia đình nhận giao khoán đất của nông, lâm trường quốc doanh để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không gồm đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng), khi Nhà nước thu hồi mà thuộc đối tượng đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.

- Đất nông nghiệp do cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng do nhận giao khoán đất của các công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh (không gồm đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.

- Đất nông nghiệp cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng do nhận giao khoán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.

- Trường hợp cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất quy định tại Khoản 2, Điều này bị thu hồi dưới 30% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng mà việc thu hồi đất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người thu hồi đất thì chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định biện pháp hỗ trợ khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP cho phù hợp.

Như vậy, với bài viết trên đây về thu hồi đất nông nghiệp, bạn đã nắm rõ khái niệm đất nông nghiệp là gì, các trường hợp thu hồi loại đất này, hình thức đền bù ra sao cũng như cách tính giá bồi thường đất nông nghiệp. Đây là những thông tin quan trọng mà người sử dụng đất nông nghiệp nên hiểu đúng, hiểu rõ để đảm bào quyền lợi hợp pháp của mình.

 

Lam Giang (TH)

>> Có được đền bù khi thu hồi đất khai hoang?

>> Các trường hợp thu hồi đất nhưng không bồi thường về đất

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu