SearchNews

Thủ tục cần thiết khi sang tên nhà đất mua bằng giấy viết tay?

12/04/2018 07:18

Hỏi: Tôi mua lại căn nhà của ông X vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, đôi bên chỉ làm giấy tờ viết tay chứ không mang đi công chứng.

Khi đi sang tên ngôi nhà, cơ quan chức năng yêu cầu tôi phải có hợp đồng công chứng. Nhà sẽ không được cấp sổ đỏ nếu chỉ mua bán bằng giấy tay. Vậy xin hỏi, liệu tôi có phải làm lại hợp đồng không?

Xin cảm ơn!

(Nguyễn An, quận Thanh Xuân, Hà Nội)

sang tên nhà đất bằng giấy viết tay
Sang tên nhà đất mua bằng giấy viết tay cần những thủ tục gì? (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Trả lời:

Theo thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014, hợp đồng mua bán, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, tặng cho, chuyển nhượng nhà ở thương mại phải thực hiện chứng thực, công chứng.

Mặt khác, với những giao dịch quy định tại khoản 2 nói trên, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm chứng thực, công chứng hợp đồng.

Như vậy, việc mua bán nhà bằng giấy tờ viết tay được xem như là hợp đồng bị vô hiệu về hình thức. Thế nên, bạn cần liên hệ với chủ nhà cũ để ký lại hợp đồng tại Văn phòng công chứng hoặc tại UBND nơi nhà, đất tọa lạc.

Trường hợp chủ nhà cũ không hợp tác, khi đó bạn hãy làm đơn yêu cầu TAND cấp huyện/quận nơi có đất công nhận hiệu lực của văn bản mua bán viết tay theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể như sau:

Giao dịch dân sự vi phạm quy định, điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, ngoại trừ những trường hợp sau:

Một là, giao dịch dân sự được xác lập theo quy định phải bằng văn bản, tuy nhiên văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, phía tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch này.

Hai là, giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản song vi phạm quy định bắt buộc về chứng thực, công chứng mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, tòa án sẽ quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch này. Các bên không phải thực hiện việc chứng thực, công chứng trong trường hợp này.

Căn cứ theo các quy định nêu trên, nếu trước kia bạn hoặc cả bạn và ông X đã thực hiện được ít nhất 2/3 nghĩa vụ hợp đồng mua bán nhà thì bạn có thể tự làm đơn yêu cầu tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng. Bạn có thể tiếp tục thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ đứng tên mình theo luật định khi đã có quyết định của tòa án.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu