Không gian sống nhỏ hẹp, tiết kiệm diện tích tại các TP lớn trên thế giới không phải là chuyện hiếm, nhưng không có nơi nào thiếu chỗ ở nhiều đến mức như Hồng Kông. Kiếm đủ tiền để mua nhà là vấn đề đau đầu của nhiều người dân nơi đây. Trong số nhiều biện pháp được Chính phủ nước này đưa ra để hạ nhiệt giá BĐS có việc tăng nguồn cung nhà ở mới. Biện pháp trên có hiệu quả nhất định nhưng dường như không diễn ra theo hướng mà giới chức nước này kỳ vọng.
Giá BĐS tăng vọt khiến nhà trở nên ngoài tầm với của phần lớn người mua. Các nhà phát triển BĐS vì thế chia sản phẩm của mình ra nhiều đơn vị nhỏ hơn, dưới 18,5m2. Đây được gọi là các “căn hộ nano”. Nhu cầu của loại hình nhà này rất cao, đa phần dự án được bán hết chỉ trong vài giờ.
Mẫu căn hộ "nano" với giường sofa tại Hồng Kông Ảnh: Bloomberg
Tác động tổng thể của những biện pháp hạ nhiệt giá BĐS không nhiều khi giá mỗi mét vuông vẫn tăng lên, tỷ lệ thuận với lợi nhuận của các nhà phát triển BĐS. Cổ phiếu của các hãng này đang ở cận mức cao nhất mọi thời đại.
Theo thống kê, trong 3 -4 năm tới sẽ có khoảng 96.000 căn hộ tư nhân sẽ được đưa ra thị trường Hồng Kông và rất có khả năng sẽ là những căn hộ cực nhỏ. Tỷ lệ căn hộ mới có diện tích dưới 40m2 ở Hồng Kông tăng từ 5% năm 2010 lên 27% năm 2016 và được dự sẽ báo đạt 43% vào năm 2018.
Tại Mỹ, những căn nhà nhỏ sẽ gợi lên hình ảnh về cuộc sống đơn giản. Trong tiếng lóng của Trung Quốc, người sống trong căn hộ nhỏ ở Hồng Kông đang sống trong “căn nhà ốc sên”. Người không đủ tiền mua nhà bị gọi là “những con sên không có vỏ”.
Hình ảnh một căn nhà "quan tài" ở Hồng Kông Ảnh: Bloomberg
Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về những tác động tâm lý của không gian sống hẹp tới người dân. Giáo sư tâm lý học môi trường Susan Saegert của Đại học thành phố New York (Mỹ) cho biết, trẻ em lớn lên trong căn nhà nhỏ thường sẽ khó tập trung ở trường và có điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Không gian sống chật hẹp có thể làm giảm khả năng đối phó với căng thẳng, áp lực của người lớn.
Không gian sống khắc nghiệt không còn là điều mới mẻ ở Hồng Kông, một trong những khu vực đông dân nhất trên thế giới. Đã có nhiều bài báo viết về loại nhà "quan tài”, tức các không gian rất bé trong những căn nhà nhỏ, dành cho những người nghèo nhất. Trước đây, sống ở đây thường là những phụ nữ làm nghề giúp việc đến từ Indonesia và Philippines. Hiện nay, một số nhân viên văn phòng hưởng thu nhập cao hơn cũng đang chọn chỗ ở như thế.
Wu Tung, một nhân viên tiếp thị 41 tuổi, thuê căn hộ 14,8m2 với giá 7.300 đô la Hồng Kông, tương đương 936 USD mỗi tháng trong ba năm qua. Ông lớn lên trong căn hộ có diện tích khoảng 93m2 ở Hồng Kông và cũng từng sống trong căn nhà ba tầng có diện tích 279m2 ở Canada.
Hiện ông Wu có thu nhập cao gấp đôi mức thu nhập trung bình của người Hồng Kông nhưng vẫn tự hào về nơi ở tiện nghi của mình, với một chiếc giường đôi, căn bếp, piano điện và máy chiếu thay vì TV. Ông cho biết, sống trong căn nhà chật hẹp đã trở thành chuyện bình thường với nhiều người Hồng Kông.
Số liệu thống kê của chính quyền cho thấy, đợt bùng nổ nhà siêu nhỏ là một tin tốt cho các nhà phát triển BĐS cùng tỉ phú sở hữu các hãng này. Giá căn hộ nhỏ hơn 40m2 tăng hơn gấp đôi từ cuối năm 2010 và liên tục lập kỷ lục, trong khi giá nhà ở 160m2 vẫn thấp hơn mức cao nhất đạt được hồi năm 2013. Nhiều người dân không đủ tiền mua căn hộ mới, giá trung bình đã lựa chọn mua một căn nhà nhỏ.
Tờ South China Morning Post cho biết, Cheung Kong Property Holdings và K&K Property là hai trong số các đơn vị phát triển BĐS nâng giá bán nhà. Hãng Cheung Kong Property của tỉ phú Lý Gia Thành vừa đạt mục tiêu doanh thu cả năm là 25 tỉ đô la Hồng Kông vào hồi tuần trước. Ông Lý và nhiều đại gia khác đang ăn nên làm ra. Theo thống kê về tài sản của 10 người giàu nhất Hồng Kông, 9 trong số này có tham gia hoạt động kinh doanh BĐS, tăng tổng cộng 22 tỉ USD trong năm nay.