Theo JLL, trong số 10 nước đầu tư địa ốc xuyên quốc gia nhiều nhất (xét theo giá trị vốn đầu tư) trong quý II/2017, các nước châu Á chiếm một nửa.
Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc vẫn dẫn đầu châu Á về các khoản đầu tư bất động sản xuyên quốc gia, bất chấp chính sách hạn chế chuyển tiền ra nước ngoài của chính phủ nước này. Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đạt 6,2 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Theo sau là Hong Kong với 4,9 tỷ USD, kế tiếp là Singapore (4,1 tỷ USD), Hàn Quốc (1,9 tỷ USD) và Nhật Bản (1,6 tỷ USD).
Bất động sản ở nước ngoài tiếp tục hấp dẫn giới đầu tư châu Á.
Tuy vậy, Giám đốc nghiên cứu thị trường vốn toàn cầu của JLL, ông David Green-Morgan cho rằng: "Những hạn chế về vốn sẽ khiến cho việc đầu tư ra nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Trong thời gian tới, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư trong nước”.
Trong khi đó, theo chuyên gia của JLL, do giá nhà đất tại các đô thị loại 1 của Trung Quốc tăng cao nên giới đầu tư bắt đầu chuyển hướng tới các đô thị loại 2 - nơi có hậu cần thương mại và nhiều mặt bằng bán lẻ. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng nhắm tới loại bất động sản có khả năng chuyển đổi chức năng như từ khách sạn thành căn hộ dịch vụ hoặc từ bán lẻ thành văn phòng cho thuê.
Giữ vị trí thứ ba trên toàn thế giới về dòng vốn đầu tư bất động sản nước ngoài là Trung Quốc, chỉ sau Đức và Anh. Đồng thời, Anh và Đức cũng là hai trong số những nước nhận vốn đầu tư bất động sản từ châu Á nhiều nhất, lần lượt là 6 tỷ USD và 2 tỷ USD. Song, nước Mỹ vẫn là điểm đến ưa thích nhất đối với các nhà đầu tư châu Á, thu về 10 tỷ USD trong các tháng 4, 5, 6.
Loại hình bất động sản được giới đầu tư ưa chuộng nhất vẫn là phân khúc văn phòng. Bám sát ngay sau là bất động sản khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đạt 24 tỷ USD, tăng 28% kể từ đầu năm 2017. Thực tế cho thấy, nhu cầu đối với bất động sản khu công nghiệp và hậu cần thương mại đang tăng mạnh. Thị trường địa ốc tại các nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh, Canada, Nhật Bản đều có khả năng đáp ứng nhu cầu này.